Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất 3 chính sách với mức hỗ trợ khác nhau.
Cụ thể, về chính sách khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ giải quyết tình trạng mức sinh thấp, UBND TP.HCM đề xuất khen thưởng tập thể cấp xã 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con, kèm theo hỗ trợ 30 triệu đồng.
Đối với cá nhân, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con, gồm: chi phí khám thai định kỳ (7 lần/thai kỳ), chi phí thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh; chi phí người dân đồng chi trả (sau khi trừ chi phí do bảo hiểm xã hội thanh toán) cho 1 ca sinh.
Về chính sách khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, UBND TP.HCM đề xuất xã đạt 100% ấp đã có nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trong hương ước, quy ước được tặng giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện kèm theo hỗ trợ 1 triệu đồng.
Về chính sách khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ góp phần nâng cao chất lượng dân số, UBND TP.HCM đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng, gồm tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh) 600.000 đồng và tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) 400.000 đồng. Mức hỗ trợ này căn cứ theo thông báo giá dịch vụ của Bệnh viện Từ Dũ. Hỗ trợ bằng tiền là 1 triệu đồng là do Sở Y tế đề xuất và đã được Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM thống nhất tại các cuộc họp khảo sát.
Về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, xã đạt 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ được đề xuất tặng giấy khen, kèm mức hỗ trợ một lần bằng tiền 30 triệu đồng.
Tổng kinh phí mỗi năm cho 3 chính sách trên hơn 35 tỉ đồng, tính chung 5 năm là 198,5 tỉ đồng.
Theo UBND TP.HCM, tổng tỷ suất sinh của địa phương năm 2023 là 1,32 con, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con. TP.HCM nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.
Tính đến tháng 12.2023, số người cao tuổi thường trú và tạm trú tại TP.HCM hơn 1,1 triệu người (chiếm hơn 11%), điều này cho thấy địa phương đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Thời gian qua, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM ở mức khá cao 76,6 tuổi, so với cả nước 73,6 tuổi (số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2019).