Vài năm trở lại đây, sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua địa phận thôn 2 Văn Giang (xã Đức Giang, H.Vũ Quang) bị sạt lở rất nghiêm trọng, lòng sông ăn sâu vào sát con đường dân sinh. Một số hộ dân ở đây còn nằm trong vùng nguy cơ cao mất an toàn trong mùa mưa lũ, do nhà nằm cạnh mép sông.
Như ngôi nhà của gia đình bà Trần Thị Nhân (55 tuổi) hiện chỉ còn cách mép sông khoảng 3 - 5 m. Cực chẳng đã, bà Nhân phải thuê thợ dùng đá hộc gia cố xung quanh khu vực bờ sông phía sau nhà để hạn chế bờ sông sạt lở, ăn sâu thêm vào bên trong.
"Dù đã nhiều lần kè thêm đá, nhưng mỗi lần mưa lũ kéo về là toàn bộ lại bị cuốn trôi đi hết. Dù như muối bỏ bể nhưng chúng tôi vẫn phải làm, nếu không muốn mất hết đất đai", bà Nhân ngao ngán.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Trưởng thôn 2 Văn Giang, cho biết có khoảng hơn 100 hộ dân ở thôn này có nhà nằm bên trong trục đường dân sinh đang bị sông Ngàn Sâu "tấn công". Khi mưa lũ xảy đến, chính quyền địa phương phải đặt biển cảnh báo hạn chế người dân qua lại trên trục đường này và vận động một số hộ dân có nhà cạnh mép sông di dời để đảm bảo an toàn.
"Khu vực này nằm ở vùng thấp trũng nên nhà dân hay bị ngập sâu khi nước sông Ngàn Sâu dâng cao. Năm nào cũng vậy, sau khi lũ rút thì đất đai ít nhiều lại bị cuốn trôi. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng bờ sông sạt lở, song đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Vỵ, Phó chủ tịch UBND xã Đức Giang, những năm qua, do nguồn lực hạn hẹp nên địa phương chỉ hỗ trợ người dân bằng cách dùng rọ đá để gia cố tạm thời tại các điểm sạt lở bờ sông ở thôn 2 Văn Giang. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị với cấp trên sớm có phương án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu để người dân yên tâm sinh sống.
Tương tự, sông Ngàn Trươi chảy qua địa phận thôn 6, xã Quang Thọ (H.Vũ Quang) nhiều năm gần đây cũng bị sạt lở, đe dọa đến cuộc sống của nhiều hộ dân.
Là một trong số các hộ dân ở thôn 6 có nhà nằm sát bên mép sông Ngàn Trươi, ông Nguyễn Văn Lâm (54 tuổi) lo lắng: "Bờ sông trước đây cách nhà tôi khá xa, khoảng chừng 100 m. Còn hiện nay tường nhà đã nằm sát bên mép sông, chỉ còn cách khoảng 1 m. Người dân đã mất cơ số đất sản xuất, nay ngôi nhà che nắng che mưa nguy cơ cũng bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào".
Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ thừa nhận, tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Trươi đoạn qua địa phận của xã diễn ra khá nghiêm trọng trong ít năm trở lại đây và một số điểm sạt lở ăn sâu vào khu dân cư, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân.
"Trong những năm qua, chúng tôi cũng đã khắc phục được một số điểm sạt lở trọng yếu. Riêng các điểm bờ sông lấn sâu vào nhà dân thì xã đã đề xuất phương án xử lý, do kinh phí lớn nên vẫn phải chờ nguồn ngân sách", ông Cường thông tin.
Đất trồng chè bị cuốn trôi
Người dân ở thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 (H.Hương Sơn) mấy năm nay cũng mất ăn, mất ngủ do nhiều diện tích đất trồng chè bị sông Khe Chè (nhánh nhỏ của sông Ngàn Phố) cuốn trôi. Theo thống kê của xã, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến 10 ha diện tích đất trồng chè, trong đó có khoảng 6 ha đã bị "hà bá" nuốt chửng.
Chỉ tay ra phía lòng sông, bà Hoàng Thị Hương (60 tuổi) cho biết, diện tích đất trồng chè của gia đình bà trước kia rộng khoảng gần 1 ha, nằm ra tận bên ngoài mép sông Khe Chè bây giờ khoảng hơn 10 m. Đồng nghĩa với việc gia đình bà đã mất đi cơ số diện tích đất sản xuất. Trong khi đó, số diện tích đất trồng chè còn lại của gia đình bà vẫn đang có dấu hiệu bị sông bào mòn, khi nhiều cây chè chỉ chờ ngày đổ ập xuống sông.
"Người dân chúng tôi ở đây chủ yếu chỉ dựa vào cây chè để phát triển kinh tế, nay đất canh tác bị thu hẹp dần khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà con rất mong chính quyền các cấp sớm xây dựng kè sông kiên cố, để bảo vệ số diện tích đất trồng chè còn lại", bà Hương bộc bạch.
Ông Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2, cho hay sông Khe Chè bị sạt lở nghiêm trọng khiến diện tích đất trồng chè của người dân ở thôn Tiền Phong ngày càng bị thu hẹp, hiện chỉ còn khoảng 100 ha.
"Năm nào bờ sông cũng xảy ra sạt lở. Chỉ tính trong mùa mưa lũ năm nay, sạt lở bờ sông đoạn qua thôn Tiền Phong diễn ra với chiều dài khoảng 600 m, rộng 40 m, đồng nghĩa với việc bà con mất đi khoảng 2,4 ha đất trồng chè. Mặc dù chúng tôi đã vận động bà con gia cố bằng cọc tre và trồng các loại cây để giữ đất, nhưng khi mưa lũ xảy ra là chúng lại bị cuốn trôi đi hết", ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, cây chè là kế sinh nhai của người dân ở thôn Tiền Phong, nếu mất hết đất sản xuất thì bà con sẽ lâm vào cảnh đói nghèo. Do đó, phương án hiệu quả nhất là làm kè kiên cố qua đoạn bờ sông bị sạt lở thì may ra mới giữ được số diện đất trồng chè hiện tại. Do cần kinh phí lớn để thực hiện nên dù chính quyền xã này đã đề xuất nhiều lần, song cấp trên vẫn chưa thể bố trí để làm dự án.
Ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hương Sơn, lại cho rằng hiện nay phương án làm kè chống sạt lở bờ sông Khe Chè khó khả thi vì ngoài kinh phí quá lớn còn có khả năng kè bên này thì sẽ lở bên kia.
"Theo tính toán thì nếu làm bờ kè phải đầu tư khoảng 50 tỉ đồng, trong khi ngân sách địa phương eo hẹp. Chúng tôi cũng đau đầu về chuyện này. Dù biết người dân đang mất dần đất sản xuất nhưng để có phương án khả thi nhất, tiết kiệm mà hiệu quả thì vẫn phải chờ các ngành chuyên môn của tỉnh về khảo sát đánh giá", ông Hòa nói.