Theo thống kê của UBND TP.HCM, tổng khu phố tại 80 phường này là 634 khu phố, khi sáp nhập có có 283 khu phố cần đổi tên và 351 khu phố không cần đổi tên.
Về số lượng khu phố cần đổi tên, Q.3 có 12 khu phố, Q.4 có 14 khu phố, Q.5 có 18 khu phố, Q.6 có 32 khu phố, Q.8 có 53 khu phố, Q.10 có 14 khu phố, Q.11 có 30 khu phố, Q.Bình Thạnh có 53 khu phố, Q.Gò Vấp có 48 khu phố và Q.Phú Nhuận có 9 khu phố.
Về kết quả số liệu lấy ý kiến đại diện hộ gia đình, có gần 87% trong tổng số 29.266 hộ được lấy ý kiến, tỷ lệ hộ dân đồng ý đổi tên khu phố hơn 92%, cao nhất là Q.Gò Vấp, thấp nhất là Q.5.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề xuất số lượng cán bộ làm việc tại 41 phường mới trong năm 2025. Cụ thể, các phường mới tại Q.6, Q.11 và Q.Gò Vấp khi sáp nhập 3 phường thành phường mới thì bố trí tối đa 8 cán bộ.
Với 16 phường mới tại Q.3, Q.5, Q.10, Q.11, Q.Gò Vấp khi sáp nhập 2 phường nhưng chưa hoàn thiện phương án nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030 thì được bố trí 7 cán bộ. Còn 21 phường mới còn lại thì bố trí 6 cán bộ.
Tổng công chức làm việc tại 41 phường mới là 1.046 người, giảm 154 người so với năm 2024.
Công chức làm việc tại phường gồm 2 chức danh lãnh đạo: chủ tịch, phó chủ tịch UBND và 6 công chức; chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường, văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề xuất giao số lượng người hoạt động không chuyên trách là 982 người, giảm 70 người so với năm 2024.
Đề xuất hỗ trợ thêm cho 1.000 cán bộ, công chức khi sáp nhập
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần này, UBND TP.HCM đề xuất chính sách hỗ trợ cho trường hợp nghỉ khi sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi ứng, tái cử hoặc nghỉ tự nguyện.
Cụ thể, với những người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chính sách hưởng theo điều 5 Nghị định 29 sẽ được trợ cấp 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác người lao động nhận thêm nửa tháng lương.
Cán bộ, công chức cấp xã phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 1 điều 8 Nghị định 29 được trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được cấp thêm nửa tháng lương.
Cán bộ nữ cấp xã nghỉ do sắp xếp đơn vị hành chính ngoài chế độ theo khoản 2, điều 8 Nghị định 29 sẽ được trợ cấp thêm 5 tháng lương và 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Đồng thời, những cán bộ thôi việc ngay được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm và 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác.
Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện tuổi tái cử, tái bổ nhiệm được trợ cấp thêm 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm trợ cấp thêm nửa tháng lương.
Trường hợp nghỉ việc ngay nhưng không thuộc nhóm tinh giản biên chế được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm, 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác.
UBND TP.HCM ước tính cần 175 tỉ đồng/năm để thực hiện chính sách này, trước mắt là hỗ trợ hơn 1.000 cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập 80 phường.