Đây là giải thưởng được mệnh danh là "Nobel châu Á". GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được vinh danh vì những cống hiến trong nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe sinh sản và những nỗ lực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.
Chia sẻ tại hội nghị, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói: "Tôi đã được sống và làm việc trong một môi trường đầy tình thương - vùng đất TP.HCM này. Tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội hữu nghị Việt - Mỹ và nhiều đoàn thể khác. Tôi cũng rất hạnh phúc khi gặp lại những bệnh nhân mà tôi từng hỗ trợ, hay gặp các bác sĩ trẻ - những học trò mà tôi đã đào tạo. Niềm vui đó thật sự to lớn đối với tôi. Tôi cảm thấy rất xúc động và sự ghi nhận từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bất kỳ giải thưởng nào".
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng sinh năm 1944 tại Biên Hòa, Đồng Nai, trong một gia đình nghèo. Nhờ được một bác sĩ người Pháp chữa khỏi bệnh khi còn nhỏ, bà đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Vượt qua khó khăn, bà thi đỗ vào Đại học Y khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1970, sau đó lấy bằng Tiến sĩ Y khoa tại Mỹ năm 1973, chuyên ngành phụ khoa.
Trong sự nghiệp y tế, bà giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Giám đốc Bệnh viện Tim TP.HCM, Phó chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản tại Đại học Y Dược TP.HCM. Bà là người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và nội soi phụ khoa về Việt Nam, giúp nhiều gia đình hiếm muộn.
Về hoạt động chính trị, bà từng là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX và giữ nhiều vị trí lãnh đạo như Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội Quốc hội khóa VII, Phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII, và Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX.