Theo đó, lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang) và sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang xuống. Mực nước đo được trên các sông này vào lúc 13 giờ cùng ngày lần lượt là 6,01 m (dưới báo động - BĐ3 0,29 m); 5,64 m (trên BĐ2 0,34 m) và 3,79 m (dưới BĐ3 0,21 m). Trong 12 giờ sau thời điểm này, lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục xuống và ở trên mức BĐ2; lũ sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống và ở dưới mức BĐ2. Xu hướng xuống vẫn diễn ra trong 12 - 24 giờ tiếp theo và lũ trên các sông này chỉ còn ở mức BĐ1 - BĐ2.
Trước đó, vào buổi sáng, mực nước trên sông Thao (tại Yên Bái, Phú Thọ), trên sông Lô (tại Tuyên Quang, Vụ Quang), trên sông Hồng (tại Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội) đã xuống dưới mức BĐ1.
Tuy nhiên, do quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm, cơ quan khí tượng thủy văn đánh giá tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện. Theo đó, thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc H.Chương Mỹ (Hà Nội) từ 8 - 10 ngày, ven sông Tích khoảng 5 - 7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2 - 3 ngày, sông Nhuệ từ 1 - 2 ngày.
Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3 - 4 ngày. Các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.
Đáng chú ý, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng tại Nam Định, Ninh Bình hiện đang ở mức cao (trên BĐ2) nên vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê, kè tại các vị trí xung yếu.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tính đến sáng qua, các địa phương trên cả nước đã xảy ra 584 sự cố đê điều. Trong đó có 346 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp 3 trở lên và 238 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp 3. Các sự cố này đều tăng cao so với báo cáo trước đó (tăng lần lượt là 164 và 115 sự cố). Các sự cố phổ biến ở các tuyến đê từ cấp 3 trở lên là cống qua đê, sạt lở đê, nứt mặt đê, đùn sủi, thẩm lậu, lỗ rò thân đê… Với các tuyến đê dưới cấp 3, ngoài 1 sự cố vỡ đê thì có 73 sự cố tràn đê, 41 sự cố cống qua đê, 31 sự cố sạt lở đê, 11 sự cố đùn sủi, 69 sự cố lỗ rò thân đê…
18 người còn sống, tổng số người chết và mất tích giảm
Đến 17 giờ 30 hôm qua, bão và hoàn lưu của bão số 3 đã làm chết và mất tích 330 người (292 người chết, 38 người mất tích). Trong số này, Lào Cai có 151 người (125 người chết, 26 người mất tích); Cao Bằng 57 người (55 người chết, 2 người mất tích); Yên Bái 54 người (53 người chết, 1 người mất tích), Quảng Ninh 25 người chết; Hải Phòng 2 người chết; Hải Dương 1 người chết; Hà Nội 1 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Lạng Sơn 3 người chết; Bắc Giang 2 người chết; Tuyên Quang 5 người chết; Hà Giang 2 người (1 người chết, 1 người mất tích); Lai Châu 1 người chết; Vĩnh Phúc 2 người chết; Phú Thọ 11 người (3 người chết do sạt lở đất, lũ; 1 người chết và 7 người còn mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu); Sơn La 1 người mất tích; Thái Nguyên 4 người chết; Thanh Hóa 1 người chết.
Như vậy, đến tối qua, tổng số người chết, mất tích đã giảm 18 người so với báo cáo vào sáng cùng ngày, trong đó giảm 17 người mất tích tại Bảo Yên, Lào Cai và giảm 1 người mất tích tại Nguyên Bình, Cao Bằng do đã có thông tin và vẫn còn sống.