Tính đến tháng 6, toàn tỉnh Tây Ninh có 122/1.604 dự án chăn nuôi được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 66/122 dự án đang hoạt động. Tỷ lệ dự án chăn nuôi gà chiếm 34% với tổng đàn hơn 10,4 triệu con, dự án chăn nuôi heo chiếm 64% với tổng đàn hơn 1,1 triệu con...
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi khá phổ biến, mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng ở gia súc... vẫn còn tồn tại ngoài môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Để giải quyết vấn đề này, Sở NN-PTNT Tây Ninh cho rằng thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, không cấp phép chăn nuôi trong khu dân cư; chỉ xem xét các dự án đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững…
Đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Trọng Tấn cho rằng bên cạnh hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện nay các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, dù được đầu tư bài bản nhưng vẫn còn trường hợp xử lý chất thải chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Dẫn chứng việc ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, đại biểu Kim Thị Hạnh đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời công khai vận động người dân di dời việc chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.
Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho rằng khi một dự án chăn nuôi được cấp phép ở quy mô lớn, ngành NN-PTNT đã phối hợp xác định các giải pháp bảo vệ môi trường. Thực tế vẫn có một vài trường hợp gây ô nhiễm môi trường, tùy theo mức độ sẽ có các giải pháp xử lý khác nhau.
"Trường hợp ngành môi trường rút phép thì ngành nông nghiệp chúng tôi cũng sẽ không cấp an toàn chăn nuôi, không cấp chứng nhận sản phẩm ra thị trường, cơ sở sẽ bị đóng cửa", ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Việc chăn nuôi nông hộ là sinh kế của người dân từ xưa đến nay, nhưng nếu để xảy ra vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu tái phạm có thể cưỡng chế, chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ông Văn Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở TN-MT phối hợp với lực lượng công an, các địa phương kiểm tra 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 60 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện, xử lý 17 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt 6,2 tỉ đồng, rút giấy phép môi trường đối với 1 cơ sở vi phạm xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu Sở NN-PTNT cần tích cực phối hợp Sở TN-MT, UBND các huyện, xã tăng cường quản lý nhà nước về chăn nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ô nhiễm môi trường.