Đau xót lắm
Anh N., cha ruột 2 cháu nhỏ tử vong cho biết, anh và vợ cưới nhau gần 20 năm, có với nhau 10 người con gồm 6 gái, 4 trai. Đứa con lớn nhất 17 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Trong đó, K. là con gái thứ 6, còn H. là con trai thứ 8 trong nhà.
Cả gia đình sống chung trong căn nhà cấp 4. Anh N. đi làm công cho người dân kiếm tiền nuôi gia đình. Dù gia cảnh còn khó khăn, thiếu thốn do đông con nhưng cuộc sống gia đình an yên.
Chiều 21.6, trời đang mưa, 3 người con của anh N. rủ nhau xuống khu vực đất trống cách nhà khoảng 1 km để chơi đùa.
Tại đây, các em vào khu vườn nhà dân, K. không may trượt chân xuống ao nước chới với. Lúc này, H. đứng trên bờ nói với anh trai chạy đi báo người dân, gia đình còn mình nhảy xuống ao cứu chị. Cả 2 chị em K. và H. sau đó điều bị đuối nước.
"Tôi đang ở nhà thì đứa con thứ 7 chạy về báo chị gái thứ 6 và em trai thứ 8 bị đuối nước. Tôi hoảng hốt xuống đó thật nhanh, nhảy xuống ao lặn tìm vớt được đứa em lên rồi đến đứa chị. Đau xót lắm", anh N. nghẹn lời.
Theo hàng xóm của vợ chồng anh N., khu vườn có ao nơi 2 cháu bé đuối nước được rào lưới B40 xung quanh. Quanh khu vực này dân cư cũng thưa thớt.
Trước đó, người dân thấy các con của anh N. và các cháu nhỏ khác hay xuống khu vực này chơi và vào khu vườn nhà dân chỗ có ao nước tắm nên nhắc nhở, la rầy đuổi đi. Thời điểm xảy ra sự việc trời đang mưa nên mọi người ở trong nhà, không ra ngoài đường. Khi biết cháu K. và H. tử vong do đuối nước, người trong xóm ai cũng xót xa.
Khi sự việc xảy ra, UBND xã phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thạnh Tây và các đoàn thể chính trị - xã hội xã cùng các ấp chung tay đóng góp, vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ gia đình chi phí mai táng, nhu yếu phẩm và một số tiền mặt.
Tổ công tác của xã và ấp đã đến chia buồn, động viên gia đình anh N. vượt qua nỗi đau mất con. Chính quyền địa phương cũng tiếp tục tuyên truyền để người dân lưu ý, quan tâm đến các cháu nhỏ, con em mình trong việc tắm mưa vui chơi trong mùa hè.
Không lâu sau sự việc đuối nước đau lòng của 2 trẻ nhỏ ở H.Củ Chi, ngày 28.6, trên địa bàn H.Đồng Xuân (Phú Yên) cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 3 học sinh tử vong.
Theo đó, 9 giờ cùng ngày, các em C.T.D (10 tuổi), N.T.A.T (10 tuổi), C.T.H.D (8 tuổi) là học sinh Trường tiểu học Xuân Lãnh 2, và 2 bạn khác cùng ở xã Xuân Lãnh, đến một vực nước sâu thuộc sông Hà Nheo, phía sau xóm Lò Gạch thuộc thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh, để tắm.
Đến khoảng 10 giờ 40 phút thì 3 em C.T.D, N.T.A.T, C.T.H.D bị đuối nước. Thấy vậy, các bạn đi cùng chạy đi báo cho người dân ở gần đó đến cứu giúp.
Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng cùng người dân đã tìm thấy, đưa được 3 em lên bờ nhưng đã tử vong. Cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể các nạn nhân cho gia đình để lo hậu sự ngay sau đó.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm.
Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn.
Đuối nước có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối, trẻ nhỏ khi đi bơi vô tình sang bể bơi người lớn, thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi, bạn bè nô đùa trong nước vô tình gây thương tích.
Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều nhưng tình trạng đuối nước vẫn diễn ra, nhất là ở trẻ nhỏ.
Công an TP.HCM khuyến cáo
Theo Công an TP.HCM, nguyên nhân đuối nước là do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối. Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như: sông, hồ, suối, ao không có biển báo nguy hiểm, rào chắn; mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên; những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM khuyến cáo cách phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, các cơ quan, gia đình, trường học, cần thực hiện một số biện pháp bảo đảm an toàn như sau:
- Mỗi gia đình phải chủ động cho con em học kỹ năng bơi ngay từ khi còn nhỏ, nhất là các em sinh sống gần các khu vực ao, hồ, sông, suối.
- Quản lý chặt chẽ con em trong sinh hoạt, nhắc nhở không để con em tự ý chơi tại các khu vực ao, hồ, sông, suối có mực nước lớn, trơn trượt. Không cho các em tự ý đi tắm tại các khu vực không có người lớn trông coi, khu vực ao, hồ, sông, suối có mực nước sâu, nguy hiểm.
- Che chắn các vị trí nguy hiểm, trơn trượt, dễ dẫn tới té ngã, bố trí các biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực giếng, ao, hồ, sông suối để phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra.
- Khi tổ chức cho các em đi du lịch, đi chơi tại các khu vực có nước phải chú ý trông coi, nhất là các em nhỏ chưa biết bơi.
- Chú ý nhắc nhở đối với trẻ đã biết bơi: Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; phải khởi động trước khi xuống nước; không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.