Tại chương trình, nhiều người dân đặt câu hỏi về việc tổ chức Nghị quyết 98 như thế nào để hiệu quả, TP.HCM đã chuẩn bị bộ máy nhân sự như thế nào.
Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Luật gia Q.Tân Phú hỏi việc lập Sở An toàn thực phẩm có giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới tốt hơn hay không. Hay như việc lập thanh tra xây dựng của TP.Thủ Đức có giải quyết được bài toán vi phạm xây dựng và có chồng chéo với thanh tra xây dựng địa bàn của Thanh tra Sở Xây dựng?
Một số ý kiến khác thì đặt vấn đề TP.HCM sẽ vận dụng các cơ chế mới để giải quyết các dự án treo, quy hoạch treo như thế nào; việc bố trí cho 16 quận thêm 2 – 4% dự toán ngân sách sẽ sử dụng vào mục đích gì; triển khai các dự án đối tác công tư ra sao…
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc nghị quyết ban hành các cơ chế chỉ là bước đầu, và điều quan trọng nhất vẫn là tổ chức để mang lại kết quả.
Hiện Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết khung và UBND TP.HCM đã có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 98, trong đó phân công, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành, địa phương thực hiện các công việc cụ thể.
Ông Mãi đánh giá khối lượng cơ chế nhiều nên UBND TP.HCM chủ động phối hợp HĐND TP.HCM để chuẩn bị song song những công việc có thể triển khai đồng thời, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.
Sẵn sàng tâm thế
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định cán bộ và tổ chức bộ máy có ý nghĩa quyết định đến sự thành công khi thực hiện các cơ chế đặc thù.
“Về chuẩn bị nhân sự thì vẫn phải bộ máy này thôi chứ đâu thể thay đổi bộ máy khác. Có thể thay đổi chút ít, giống như huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn phải dùng những cầu thủ cũ, chỉ có thay đổi chiến lược, chiến thuật thôi”, ông Mãi so sánh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh đến tâm thế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức phải sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, còn UBND TP.HCM sẽ phân công, giám sát, xử lý, hoán đổi vị trí công tác.
Đồng cảm với tình trạng quá tải công việc của công chức, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có cơ chế cho phép mời tư vấn hỗ trợ, một phần tản lực ra bên ngoài, cơ chế này nếu vận hành tốt có thể chia sẻ 1/3 khối lượng công việc của hệ thống chính quyền. Đây là đầu ra, lối thoát để giảm tải cho hệ thống.
Trả lời câu hỏi của cử tri liệu có giải quyết hết các dự án treo hay không, ông Mãi nói hy vọng sẽ giải quyết được những dự án lớn như Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), Vành đai 2 và một số dự án giao thông khác.
Tháng 9 thông qua tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức
Về lĩnh vực tài chính, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, khoản bố trí 2 – 4% dự toán ngân sách cho các quận giúp địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng ngân sách cho các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế – xã hội. Các quận phải chi đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Đối việc việc thu phí và lệ phí, ông Minh khẳng định bất kỳ khoản phí hay lệ phí phát sinh nào đều phải lấy ý kiến người dân, sau đó Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phản biện, đánh giá tác động đến đời sống và an sinh xã hội.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết việc thành lập Thanh tra Xây dựng trên cơ sở sáp nhập Đội Thanh tra địa bàn của Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý Trật tự đô thị TP.Thủ Đức. Việc sáp nhập này sẽ tránh trùng lắp, thực hiện hiệu quả về quản lý trật tự đô thị xây dựng trên địa bàn.
Cũng theo ông Hoàng Tùng, dự kiến tháng 9.2023, HĐND TP.HCM sẽ xem xét thông qua tổ chức bộ máy của TP.Thủ Đức. Trong tháng 8.2023, HĐND TP.Thủ Đức thông qua việc thành lập Ban Đô thị để tăng cường chức năng giám sát công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đô thị.
TP.Thủ Đức cũng đang rà soát, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tập trung 4 nhóm: y tế, giáo dục, thể dục thể thao và văn hóa xã hội. Đồng thời, phối hợp các sở ngành triển khai các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trên đường hiện hữu.
Xác định khu đất là TOD dọc Vành đai 3
Liên quan đến mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói mô hình TOD được các nước làm từ khá lâu, TP.HCM đặt ra nhiều năm trước nhưng đến nay mới được Quốc hội cho cơ chế thí điểm làm trước cả nước.
Ông Trần Quang Lâm đánh giá mô hình này chỉ hiệu quả khi gắn đô thị với hạ tầng đường sắt đô thị và các trục giao thông chính, các phương tiện giao thông sức chở lớn và đầu mối giao thông.
Sở GTVT đã phối hợp Sở QH-KT và các địa phương rà soát các nút giao, nhà ga vùng phù cận, xây dựng các tiêu chí, khoanh vụ khu vực dự kiến. Như tại H.Bình Chánh có khu vực nút giao giữa Tỉnh lộ 10 và Vành đai 3 khoảng 500 ha hiện trạng là đất nông nghiệp. Còn H.Hóc Môn cũng có khoảng 400 ha là đất công và nông nghiệp.
Nêu lợi ích của người dân khi thực hiện mô hình TOD, ông Trần Quang Lâm cho biết giá trị đất sẽ gia tăng, người dân hưởng lợi tiếp cận giao thông và các dịch vụ tiện ích đô thị. Người dân có đất bị ảnh hưởng cũng được quy hoạch sớm hơn, chính sách bồi thường sẽ tốt hơn.