Vụ ‘treo’ bãi tắm công cộng: Các bên liên quan báo cáo gì với UBND TP.Hải Phòng?

00:00 - 08/08/2023

Chiều 7.8, UBND TP.Hải Phòng cho biết UBND Q.Đồ Sơn đã có báo cáo về nguyên nhân khiến bãi tắm công cộng sau khi được đầu tư cả trăm tỉ đồng cải tạo nhưng vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Theo đó, bãi tắm công cộng tại khu 4, P.Vạn Hương chưa được đưa vào hoạt động do xuất hiện hố sụt sâu ở khu vực đáy bãi, nên UBND Q.Đồ Sơn đã đề nghị Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Vạn Hương (Công ty Vạn Hương – chủ đầu tư) tiến hành rút cạn nước để xử lý.

Xuất hiện hố sụt sâu, có hiện tượng sụt lún

Cụ thể, nội dung báo cáo quận này có nêu, bãi tắm công cộng khu 4 vốn là bãi bồi và mặt nước tại Vụng Bún thuộc P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn. Trước đây, toàn bộ diện tích khu đất, mặt nước này do UBND P.Vạn Hương quản lý, không giao cho cá nhân hay tổ chức nào sử dụng. Trong quá trình đầu tư xây dựng Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Công ty Vạn Hương đã đề xuất triển khai thực hiện dự án cải tạo toàn bộ bãi bồi, mặt nước nói trên thành bãi tắm công cộng.

Công ty Vạn Hương đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập dự án cải tạo bãi biển công cộng có diện tích 39,1 ha, với tổng mức đầu tư 208,838 tỉ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu cho khoảng 2.000 khách du lịch/ ngày. Thời gian thực hiện dự án, từ năm 2021 – 2022.

Vụ ‘treo’ bãi tắm công cộng: Các bên liên quan báo cáo gì với UBND TP.Hải Phòng?

Công ty Vạn Hương sẽ rút hết nước tại bãi tắm công cộng tại Khu 4, P.Vạn Hương để xử lý hố sụt lún ở khu vực đáy bãi tắm; cam kết sẽ bàn giao bãi tắm cùng các công trình phụ trợ cho quận trong năm 2024

GIANG LINH

Sau khi hoàn thành, Công ty Vạn Hương sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng phục vụ lợi ích cộng đồng; đồng thời bổ sung bãi tắm công cộng cho địa phương để phục vụ du khách khi về với Đồ Sơn.

Vụ ‘treo’ bãi tắm công cộng: Các bên liên quan báo cáo gì với UBND TP.Hải Phòng?

Các biển cấm tắm được cắm dọc trên bãi cát của bãi tắm công cộng khu 4, P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn

GIANG LINH

Tháng 5.2021, Công ty Vạn Hương đã hoàn thiện hồ sơ và đề xuất với UBND TP.Hải Phòng cho chủ trương thực hiện dự án cải tạo. Sau khi được UBND thành phố đồng ý chủ trương tại công văn số 4321 ngày 1.7.2021 “Về việc thực hiện cải tạo bãi biển công cộng khu 4, Khu du lịch Đồ Sơn”, Công ty Vạn Hương đã tập trung tài chính và mọi nguồn nhân lực để thực hiện đầu tư xây dựng bãi biển phục vụ cộng đồng.

Đến nay, bãi biển công cộng đã cơ bản hoàn thành như nội dung trong bài viết mà Báo Thanh Niên đã đưa.

Về nguyên nhân bãi tắm chưa được đưa vào hoạt động, cũng theo UBND Q.Đồ Sơn, là do khu vực bãi biển công cộng khu 4 trước đây là bãi bồi và mặt nước có lượng phù sa, bùn lắng trong thời gian dài, đáy bãi có đoạn sâu tới 5 – 7 m, nền đất yếu, không ổn định nên khi triển khai xây dựng, đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn.

Quá trình thi công và kiểm tra thực tế, một số vị trí nền bãi có những hố sụt sâu từ 7 – 10 m và tiếp tục có hiện tượng sụt lún, gây nguy hiểm. Mặc dù Công ty Vạn Hương đã yêu cầu nhà thầu cải tạo, đổ cát nhiều lần, tuy nhiên phần nền bãi chưa được hoàn thiện; phần bãi cát chưa đảm bảo độ bằng phẳng và độ dốc mặt bãi theo thiết kế nên có nguy cơ mất an toàn cho du khách.

Sẽ đưa bãi tắm công cộng vào hoạt động trong năm 2024

Để xử lý vấn đề kỹ thuật này, Chủ tịch UBND Q.Đồ Sơn, ông Trần Khắc Kiên đã đề nghị Công ty Vạn Hương cần phải rút hết toàn bộ nước ra khỏi bãi biển, bổ sung cát, bù trũng, lu lèn phần đáy và bơm nước trở lại cho bãi biển.

Tuy nhiên, thời điểm thích hợp để hút toàn bộ nước ra khỏi bãi biển theo ông Kiên là vào giai đoạn cuối năm (tức mùa khô – PV), sau khi mùa mưa bão kết thúc. Ngoài ra, việc khan hiếm nguồn cát cũng là một trở ngại cho việc xử lý dứt điểm vấn đề này.

“Vì những lý do nêu trên, Công ty Vạn Hương chưa thể nghiệm thu, bàn giao bãi tắm cho UBND Q.Đồ Sơn quản lý, khai thác theo chỉ đạo của UBND TP.Hải Phòng. Chính vì thế để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách, Công ty Vạn Hương đã bố trí các biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực bãi tắm, cảnh báo du khách không vào tắm biển…”, ông Kiên nêu trong báo cáo.

Về phía chủ đầu tư, Công ty Vạn Hương cam kết, sau khi khắc phục các vấn đề kỹ thuật trên, công ty phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng của TP.Hải Phòng và Q.Đồ Sơn kiểm tra, đánh giá kỹ thuật về an toàn sử dụng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện của bãi tắm du lịch; hoàn thiện hồ sơ, bàn giao cho địa phương, để Hải Phòng sớm đưa công trình bãi tắm công cộng khu 4 vào hoạt động trong năm 2024.

Trước đó, ngày 24.7, Báo Thanh Niên đã có bài viết Bãi tắm đầu tư trăm tỉ chờ hết hạn bảo hành mới hoạt động? phản ánh về việc bãi tắm công cộng tại khu 4, P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng sau khi được Công ty Vạn Hương bỏ cả trăm tỉ đồng ra cải tạo, nhưng sau khi bãi tắm và các công trình phụ trợ hoàn thành lại không được đưa vào hoạt đông, gây dư luận không tốt, kèm theo lo ngại về nguy cơ các thiết bị và hạng mục bên trong công trình phụ trợ sẽ mau bị hư hỏng… Thời điểm đó, trả lời PV Thanh Niên, đại diện của Công ty Vạn Hương cho biết do một số hạng mục của công trình chưa hết thời hạn 2 năm bảo hành nên chưa thể bàn giao bãi tắm.

Q.Đồ Sơn và chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm

Liên quan đến hố sụt sâu ở đáy bãi tắm công cộng khu 4, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, thời điểm xảy ra vụ nam sinh bị đuối nước tại đây là vào đầu tháng 5.2022. Khi đó, bãi tắm vẫn đang thi công, chưa hoàn thiện. Qua kiểm tra, Sở Du lịch phát hiện khu vực đáy bãi tắm có một số điểm sụt lún bất thường mà chưa rõ nguyên nhân nên đã đề nghị các bên liên quan khắc phục. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến giờ mà các điểm sụt lún vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Về việc này, người đại diện Sở Du lịch cho rằng, chính quyền sở tại, cụ thể là Q.Đồ Sơn và chủ đầu tư đã chưa làm hết trách nhiệm.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV