Tại hiện trường, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo sơ bộ về quy mô đầu tư dự án hồ chứa nước Đông Thanh và cho biết hiện tượng sạt trượt đất quanh hồ chứa bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 7, đến nay tình trạng sạt trượt vẫn chưa chấm dứt. Theo ông Phúc, trước mắt tỉnh đang cho khoan thăm dò địa chất 15 mũi phía vai phải của hồ chứa để tìm nguyên nhân. Do đó rất mong được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia và sự chỉ đạo của từ Bộ NN-PTNT.
Có cung sạt trượt đã hiện hữu từ lâu
Sau khi khảo sát tại khu vực sạt trượt, PGS-TS Nguyễn Châu Lân (ĐH Giao thông Vận Tải) nhận định: “Lượng mưa ở khu vực này không lớn, trong cả tháng 7 chỉ 200 mm, do đó không phải là nguyên nhân chính gây ra sạt lở ở khu vực hồ Đông Thanh. Nhưng ở đây có dòng chảy ngầm lớn, đã có từ trước khiến hệ số an toàn thấp, dễ gây sạt trượt và cung trượt đã hiện hữu từ lâu. Phạm vi ảnh hưởng của khối trượt tương đối lớn cả phía thượng lưu và hạ lưu hồ chứa.
Còn PGS-TS Phạm Hữu Sy (Hội Địa chất và công trình Việt Nam) cho rằng: “Sạt trượt xảy ra có nhiều yếu tố: mức độ dốc, tác động của con người, do dòng nước ngầm…nên phải chủ động xác định cụ thể là do nguyên nhân nào, để có giải pháp phòng ngừa ngay từ đầu, không phải đến khi sạt trượt mới phòng chống”, PGS-TS Phạm Hữu Sy nói.
Riêng PGS- TS Lê Văn Hùng (thành viên đoàn công tác) nhận định bờ phải của hồ Đông Thanh chủ yếu là đất sét, độ dốc cao, đá mồ côi nhiều, kết cấu đất không ổn định, nếu mưa lớn kéo dài dễ dẫn đến sạt trượt.
Cùng chung nhận định, PGS-TS Nguyễn Cảnh Thái (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi), cho rằng địa chất ở vùng này rất dễ bị mất ổn định khi chuyển từ trạng thái khô sang trạng thái ướt. Tuy nhiên, nguyên nhân sạt trượt cần có khảo sát kỹ lưỡng hơn mới có thể xác định chính xác. Giải pháp trước mắt, theo ông là cần giữ ổn định khối sạt trượt trước. Sau đó, tính đến việc khoan thăm dò, xác định nguyên nhân chính xác, tiến tới tìm giải pháp lâu dài an toàn cho hồ Đông Thanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thuỷ lợi đề nghị rà soát lại thiết kế xem có đảm bảo an toàn công trình. Cần điều chỉnh phương án thi công nhằm bảo đảm an toàn; tăng cường giám sát công trình, đặc biệt là cần lưu ý hết sức việc đánh giá an toàn quy trình tích nước…
Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về sạt lở đất
Sau khi nghe các chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng phát biểu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hôm qua ông ở tỉnh Đắk Nông, hôm nay ở Lâm Đồng. 2 tỉnh có những điểm chung: có nhiều điểm sạt lở, sạt trượt; mỗi tỉnh có 1 cái hồ bị sạt trượt vai đập.
Tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu cả nước về sạt lở đất và tỉnh có tính chủ động trong phòng chống thiên tai, sạt lở đất. Nhưng năm nay hiện tượng sạt lở, ngập lụt bất thường. Tỉnh Lâm Đồng đã xác định được 163 điểm sạt lở, cần khắc phục xử lý ngay các điểm có nguy cơ sạt trượt cao, trên tinh thần đảm bảo tính mạng và tài sản người dân là quan trọng nhất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nguyên nhân chính gây sụt lún, sạt trượt ở khu vực hồ Đông Thanh không phải do mưa. Thực tế địa chất khu vực này có một cung sạt trượt và bên hồ chứa nước đang thi công có một số vệt trượt trên núi đã hình thành từ lâu. Khi dự án thi công cùng với nhiều nguyên nhân khác tác động tới, khiến cung sạt trượt này diễn ra nhanh hơn, gây thiệt hại về công trình và tài sản của người dân.
Ông Hiệp đề nghị bố trí thêm một số mũi khoan nữa, khoan thăm dò diện rộng ở cả 2 khối sạt trượt thượng lưu và hạ lưu để xác định rõ nguyên nhân. Cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để họ góp ý quan trắc ở các vị trí nào, xem diễn biến ở các điểm sạt trượt, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp.
Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng phải có biện pháp làm cho các cung trượt đất này chậm lại và dừng không trượt nữa. “Việc đầu tiên cần làm ngay là xử lý hệ thống thoát nước mặt và thoát nước ngầm để cho nước không tác động vào cung trượt này nữa”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nêu biện pháp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đồng tình việc tỉnh Lâm Đồng sớm tổ chức hội nghị để tìm kiếm giải pháp cho cả ngắn hạn và dài hạn về vấn đề sạt trượt đất. Cố gắng sớm có bản đồ sạt trượt, chính xác đến điểm nhỏ nhất, chứ không dừng lại ở vùng.
Bộ NN-PTNT sẽ có nghiên cứu riêng cùng các chuyên gia về tình trạng ngập úng, sạt trượt đất tại Lâm Đồng nói chung và địa TP.Đà Lạt nói riêng, để cùng với tỉnh tìm ra giải pháp hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, ngập lụt.