Khách đến tham quan di tích nhà tù Hỏa Lò có thể nếm một loại trà đặc biệt - trà bàng, bánh bàng nấu từ lá bàng. Và hơn cả, sự xúc động trong tour đêm, với câu chuyện kiên cường của những người tù bên cây bàng tại đây sẽ khiến họ nhớ Hỏa Lò, nhớ rất lâu. Lá bàng non được người tù dùng chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Lá bàng bánh tẻ chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ… Hiện tour đêm Hỏa Lò đang là sản phẩm du lịch ăn khách, được đánh giá cao về sức sáng tạo. "Chúng tôi thường xuyên kín chỗ trước hàng tháng trời", bà Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc di tích này, cho biết.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều sản phẩm văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo đáng chú ý khác. Chẳng hạn như không gian trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, vốn xưa là một hội quán Quảng Đông. Di tích này đã xuống cấp trong nhiều năm, cho tới khi được tu bổ và trở thành không gian văn hóa cộng đồng. Liên tiếp nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại, cũng như giới thiệu di sản được tổ chức tại đây.
"Hà Nội hiện đang có thế mạnh về công nghiệp sáng tạo, với nhiều không gian văn hóa sáng tạo, cùng với việc Hà Nội cũng là một thành phố sáng tạo nữa", PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, chia sẻ.
Theo thống kê của Sở VH-TT Hà Nội, năm 2023, thành phố có 124 không gian sáng tạo. Trong đó 33 không gian thuộc sở hữu nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân. Hà Nội cũng có 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 24 không gian sáng tạo dạng thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.
Sự thay đổi từ dưới lên
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VICAS, đánh giá công nghiệp văn hóa ở Hà Nội có những thay đổi từ dưới lên. Có nghĩa là người tham gia sáng tạo về văn hóa như các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân… đã hiểu về bản chất quá trình làm ra sản phẩm. "Họ đã hiểu về quá trình đấy, họ cũng hiểu Hà Nội là thành phố đã có chủ trương, đường lối và cả luật Thủ đô nữa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Như vậy so với trước đây, Hà Nội đã trở thành nơi rất năng động", PGS-TS Phương nói.
PGS-TS Phương cũng đánh giá cao việc sau khi gia nhập mạng lưới các thành phố thiết kế của UNESCO, Hà Nội tổ chức được nhiều diễn đàn sáng tạo. "Ở đó, nhờ chia sẻ kinh nghiệm thực tế, Hà Nội có những ứng dụng trong thực tế như Lễ hội thiết kế sáng tạo. Năm 2023, sau 4 năm triển khai, lễ hội đã rất mạnh, kích hoạt được mong muốn sáng tạo của giới trẻ ở Hà Nội. Cộng đồng sáng tạo ở Hà Nội hiện tại toàn đội trẻ tham gia. Điều này được các nước trong khu vực đánh giá là năng động", bà Phương cho biết.
Chuyên gia này cũng đánh giá cao việc Hà Nội đã củng cố và mở rộng các không gian sáng tạo dựa trên không gian di sản. "Thí dụ các di tích 22 Hàng Buồm, 50 Đào Duy Từ là những câu chuyện rất hay về sự hấp dẫn của văn hóa và truyền thống. Rồi nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, họ đã có những hoạt động thổi hồn vào đấy, khiến giới trẻ thấy là "ồ nếu không đi tour Hỏa Lò đêm thì không đúng trend". Hay người ta muốn vào Văn Miếu để triển khai triển lãm, họ thấy đó là vinh dự tự hào. Đấy là những điều chưa từng có trước đây", bà Phương nói.
Mặc dù vậy, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng khi triển khai chính sách muốn có đột phá sẽ cần rất nhiều yếu tố. "Tôi chưa nhìn thấy những thay đổi mang tính đột phá vì quá trình xây dựng chính sách, triển khai chính sách cũng có độ trễ. Nhưng mình thấy có một cái là xây dựng chính sách hiện nay đã nỗ lực theo kịp được xu hướng chung trên thế giới và cộng đồng có nhận thức rõ ràng hơn về phát triển công nghiệp văn hóa".
Để người dân cùng sáng tạo không gian sáng tạo
Think Playgrounds - Nghĩ về Sân Chơi trong phố của chúng tôi vẫn chú ý các không gian chơi cho cộng đồng, cũng như kết nối cộng đồng nghệ sĩ, cộng đồng quan tâm đến môi trường, mặt nước và tái chế. Tại dự án ở Phúc Tân (Hoàn Kiếm) của chúng tôi, cộng đồng bản địa và nghệ sĩ nước ngoài cùng kết nối, sáng tạo ra các không gian công cộng cởi mở, có cách hoạt động như dạy nhuộm chàm, dạy làm bàn ghế tái chế. Điều này sẽ gợi mở cho cộng đồng những hướng họ chưa dám làm, gợi mở cho nghệ sĩ làm tranh mosaic, làm những tác phẩm có ích cho cộng đồng, cộng đồng tiếp nhận. Bằng cách này, cộng đồng cũng trở thành những người muốn sáng tạo, có thể sáng tạo. Làm bàn tái chế chẳng hạn, mọi người hay hỏi hỏng thì sao, nhưng khi cộng đồng làm thì bàn hỏng họ sẽ làm lại.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds