Quê ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Luân theo chồng ra Hà Nội làm công nhân tại một nhà thầu phụ ở công trường Ecopark (Hưng Yên). Vợ chồng chị Luân nhận nhiệm vụ thi công kết cấu thép cho Coteccons tại dự án Ecopark. Đây là công trình có khối lượng công việc lớn nên chị có thể yên tâm làm việc trong thời gian dài.
Như bao công nhân khác, vợ chồng chị thuê một phòng trọ nhỏ để nghỉ ngơi hàng ngày. Tổng thu nhập của anh chị hơn 10 triệu đồng/tháng, đủ chi trả tiền ăn, trọ, đóng học phí cho con và tiết kiệm được một khoản nhỏ.
Trước khi "bén duyên" với nghề thợ xây, chị Luân từng mở tiệm buôn bán ở quê. Công việc tất bật từ rạng sáng đến tối khuya nhưng tiền thu về lại ít, không ổn định. Đời sống eo hẹp, thiếu thốn, không đủ nuôi con ăn học khiến mỗi dịp tết trở thành nỗi lo đối với đôi vợ chồng trẻ.
"Tết là ngày đoàn viên, khi mọi nhà vui vẻ sum họp thì với người lao động không đủ khả năng kinh tế lại trở thành gánh nặng. Lì xì, quà cáp, quà biếu gia đình hai bên... cùng bao nhiêu khoản phải chi trả khiến tôi vô cùng đau đầu", chị Luân tâm sự.
Đồng cảnh chị Luân, chị Lò Thị Hồng (42 tuổi, dân tộc Thái, Sơn La) cũng vì cái nghèo, cái đói mà phải rời xa bản làng nhiều năm gắn bó. Nhà đông con, chị là lao động chính nhưng kinh tế chủ yếu dựa vào rẫy ngô, sắn. Nhiều năm nông sản liên tục "mất giá", cuộc sống người nông dân bấp bênh với bữa đói, bữa no.
Không muốn nhìn các con thiếu thốn, chị cùng một người bạn đăng ký làm công nhân vệ sinh tại Ecopark. Công việc tuy vất vả, nguy hiểm, làm việc không kể nắng mưa nhưng con cái là động lực để chị tiếp tục cố gắng. Mức lương cơ bản 7,8 triệu đồng/tháng đủ giúp chị trang trải cuộc sống thường ngày, trả tiền thuê nhà và nhiều khoản không tên khác trong đời sống sinh hoạt.
Nhắc về quá khứ, chị Hồng kể chưa bao giờ dám mơ ước đến một mâm cỗ tết với đầy đủ thịt kho tàu, bánh chưng rán... Tết như thật xa trong ký ức của người nông dân nghèo. Những ngày giáp tết, nhìn các con chưa có quần áo mới để mặc; chưa có con gà, bánh chưng để nấu đồ cúng là lòng chị nặng trĩu
"Xây" Tết cho công nhân
Không phải người công nhân xa xứ nào cũng có điều kiện về quê ăn tết. Được đón cái tết trọn vẹn, có bữa cơm sum vầy, cùng gia đình hàn huyên... là những mong ước nhỏ bé, giản dị của công nhân ngành xây dựng trong dịp cuối năm này.
Với mục tiêu tất cả người lao động đều có tết, nhiều chương trình từ thiện, hoạt động hỗ trợ công nhân nghèo dịp tết từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã góp phần mang đến niềm vui nhỏ bé cho người lao động.
Ngày 20.12 vừa qua, hàng trăm công nhân làm việc tại công trường Ecopark (Hưng Yên) đã tề tựu đông đủ tại chương trình "Xây Tết" 2025 do Báo Nhân dân phối hợp với doanh nghiệp xây dựng tổ chức. Tại đây, Báo Nhân dân đã trao tặng 600 phần quà tết cho công nhân Ecopark, 1.000 phần quà cho công nhân, người lao động tỉnh Hưng Yên.
Cũng trong thời gian này, hàng nghìn phần quà cũng được trao tận tay công nhân tại công trường Coteccons khắp cả nước, mang đến một cái tết ấm lòng cho những người lao động vất vả.
Vui mừng khi được nhận quà, anh Phan Văn Quốc, công nhân Công ty Hoàng Dũng, cho hay các phần quà đã thắp sáng cuộc sống còn nhiều khó khăn, để anh em công nhân có thêm hy vọng về một cái tết đoàn viên. Những ngày cuối năm, nhìn mọi người tất bật chuẩn bị tết, người lao động lại khắc khoải ngóng trông ngày đoàn tụ. Nhưng nếu kinh tế khó khăn, thu nhập không dư dả thì đường về quê ăn tết ngày càng xa.
"Nhiều năm trước, gia đình tôi xem Tết Nguyên đán giống như mọi ngày, sinh hoạt bình thường. Giờ đi làm công nhân có thêm đồng ra, đồng vào, công việc ổn định, có lương, thưởng tết, với tôi thế là may mắn hơn nhiều người", anh Quốc chia sẻ.
Tương tự, các tổ chức, doanh nghiệp khác đã có kế hoạch tập trung mọi nguồn lực sẵn sàng chăm lo tết cho người lao động, bảo đảm ai cũng có tết đủ đầy. Nhiều tấm vé xe đã được gửi tặng đến công nhân để họ yên tâm về quê đón tết, đỡ một phần chi phí.
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt với tổ chức công đoàn khi Quốc hội khóa XV thông qua luật Công đoàn (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động công đoàn, hướng tới việc phục vụ tốt hơn nữa đoàn viên, người lao động trong cả nước.
"Công nhân và người lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển", ông Khang nhìn nhận.
Để hưởng ứng Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về "tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới", nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho công nhân và người lao động đã ra đời. Các cấp công đoàn giới thiệu việc làm, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm tiền lương, thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Tăng cường chăm lo phúc lợi để thu hút người lao động gia nhập tổ chức công đoàn.
Dự kiến có khoảng 1,2 triệu đoàn viên, người lao động được chăm lo, hỗ trợ từ nguồn tài chính công đoàn với hơn 1.500 tỉ đồng. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị lên kế hoạch tổ chức chương trình "Chuyến tàu công đoàn - xuân 2025" hỗ trợ khoảng 2.000 vé tàu hai chiều (chiều đi và chiều về); tổ chức chương trình "Chuyến bay công đoàn - xuân 2025" hỗ trợ khoảng 400 vé máy bay một chiều cho người đang làm việc tại các địa phương khu vực phía nam về quê đón tết tại các địa phương khu vực phía bắc.