Điển hình, hồi năm 2018, bị can Q. (bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) bán cho một người phụ nữ 95 m2 đất tại Đồng Nai bằng giấy tờ tay, không được nhà nước công nhận, với giá 380 triệu đồng. Việc mua bán được luật sư H.Đ.B làm chứng và dùng con dấu của văn phòng mình để xác nhận việc mua bán.
Hai năm sau, Q. dùng chính thửa đất ấy tiếp tục bán cho một người nữa với giá 780 triệu đồng. Hợp đồng mua bán cũng được luật sư H.Đ.B xác nhận và đóng dấu. Ngoài ra, cũng trong vụ án này, luật sư H.Đ.B còn làm chứng và dùng con dấu xác nhận việc mua bán đất bằng giấy tờ tay cho bị can Q. với 2 người khác…
Trước những bức xúc trên, có địa phương còn loay hoay chuyển sang thanh tra, hoặc có nơi còn do dự về quy định pháp luật thì Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, Viện KSND tỉnh Đồng Nai và Đoàn luật sư tỉnh này nhanh chóng vào cuộc quyết liệt, thanh tra xử lý.
PV Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Phan Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai (ảnh), xoay quanh vấn đề này.
* Thưa ông, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đánh giá ra sao về việc cá nhân, tổ chức, trong đó có luật sư làm chứng trong giao dịch mua bán nhà đất ?
- Việc luật sư làm chứng trong các giao dịch mua bán đất "giấy tay" không đủ điều kiện là trái quy định pháp luật về đất đai, luật sư, kinh doanh bất động sản và các pháp luật liên quan, vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Không thể ngụy biện, coi việc làm chứng, xác nhận là "hoạt động dịch vụ pháp luật khác của luật sư" khi sản phẩm của hoạt động này không có giá trị pháp lý, trái với quy định pháp luật. Hậu quả, hệ lụy của việc này các luật sư đều có thể thấy trước.
* Việc làm này gây ra hậu quả, hệ lụy gì cho người mua nhà đất, thưa ông ?
- Luật sư làm chứng cho các bên tham gia giao dịch là hành vi vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến hiểu nhầm, nhầm lẫn về tính chất pháp lý, nội dung của giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cũng do hiểu nhầm, nhầm lẫn nêu trên dẫn đến mục đích của các bên tham gia giao dịch không đạt được, gây thiệt hại, từ đó làm phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên liên quan.
Khi phát sinh tranh chấp, các bên thường không thể giải quyết được. Các tổ chức hành nghề luật sư thường rũ bỏ trách nhiệm, từ đó làm suy giảm nghiêm trọng uy tín nghề nghiệp của luật sư. Các bên đã gửi đơn đến các cơ quan nhà nước để yêu cầu giải quyết, xử lý, ảnh hưởng đến trật tự quản lý xã hội, gây áp lực cho hoạt động quản lý nhà nước.
Ngoài ra, trong một số trường hợp có nguy cơ tiếp tay, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
* Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã xử lý những cá nhân, tổ chức nào liên quan đến việc làm chứng chưa ?
- Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về hoạt động "làm chứng" của Văn phòng luật sư M.T.K.S - Chi nhánh số 1, Sở Tư pháp đã kiểm tra đột xuất đối với văn phòng này.
Chúng tôi đã phát hiện có hành vi hoạt động không đúng lĩnh vực ngành nghề như làm chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung không đúng quy định pháp luật về đất đai và pháp luật liên quan theo quy định tại điểm d khoản 3 điều 7 Nghị định 82 năm 2020. Văn phòng này đã cam kết sẽ không làm chứng trong thời gian tới.
Chánh thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt đối với Văn phòng luật sư M.T.K.S - Chi nhánh số 1 hơn 40 triệu đồng theo điểm k khoản 1 và điểm d, h, khoản 3 điều 7 Nghị định số 82 năm 2020, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng 22 ngày; với các vi phạm cụ thể là: không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định; hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung theo quy định; hoạt động không đúng lĩnh vực hành nghề hoặc không đúng trụ sở đăng ký.
* Hiện tình hình luật sư làm chứng mua bán nhà, đất ở Đồng Nai như thế nào, thưa ông ?
- Năm 2023, chúng tôi yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai quán triệt đến các luật sư thành viên, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chấm dứt ngay việc làm chứng thỏa thuận mua bán đất đai.
Từ sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, ra quyết định xử phạt và công văn chấn chỉnh, đến nay Sở Tư pháp chưa ghi nhận thêm trường hợp phản ánh nào về việc làm chứng của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư. Tuy nhiên, hiện nay lại xuất hiện kiểu "lách" luật mới.
* Lách" luật kiểu mới, cụ thể bằng hình thức gì, thưa ông?
- Gần đây, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai phát hiện Văn phòng luật sư M.T.K.S - Chi nhánh số 1 có xác nhận việc soạn thảo chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Hay Công ty TNHH MTV tư vấn T.L.T được thành lập theo luật Doanh nghiệp tiến hành lập "văn bản ghi nhận lại sự việc" có soạn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo ý chí, yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định, làm rõ, xác định hành vi vi phạm nên việc chứng minh, xử lý hành vi trên cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
* Ông có thể nói rõ hơn là vướng ở quy định nào?
- Hành vi làm chứng, chứng nhận "giấy tay" các hợp đồng thỏa thuận mua bán đất không đủ điều kiện được các luật sư lách dưới nhiều hình thức như: "Văn bản xác nhận, ghi nhận". Trong đó, có đề cập đến hợp đồng mua bán, hoặc đề cập là "soạn giùm hợp đồng chuyển nhượng", sau đó luật sư ký tên và đóng dấu văn phòng luật sư.
Việc áp dụng quy định vi phạm "hoạt động không đúng lĩnh vực ngành nghề" theo điểm d khoản 3 điều 7 Nghị định 82 năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phải giải thích, chứng minh hành vi vi phạm của các luật sư.
Hiện các hoạt động này được "lách" luật theo hình thức mới bằng việc ký tên là cử nhân và đóng dấu của Công ty TNHH tư vấn luật, do hoạt động của họ được Sở KH-ĐT cấp cho loại hình Công ty TNHH. Vì thế chúng tôi không thể áp dụng quy định của Nghị định 82 năm 2020 để xử phạt.
*Vậy theo ông, có cách nào để người dân nhận thức được việc phải làm và không được làm, để tránh bị "trắng tay" khi mua bán nhà đất?
- Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch truyền thông để người dân hiểu giá trị pháp luật của vấn đề nêu trên và phân biệt tổ chức không có chức năng hành nghề luật sư "Công ty TNHH luật", "Công ty TNHH tư vấn luật".
Mặc dù "lách" luật dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng bản chất là ghi nhận việc mua bán nhà đất không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Vì thế cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hành vi làm chứng, chứng nhận "giấy tay" các hợp đồng thỏa thuận mua bán đất không đủ điều kiện là hành vi vi phạm pháp luật để có cơ sở xử lý các trường hợp này.
* Xin cảm ơn ông !