"Trận lốc xoáy xảy ra ở thôn Nguyễn Huệ nằm trên địa bàn xã. Ngay sau khi xảy ra giông lốc, chúng tôi đã trực tiếp kiểm tra, động viên bà con và cử cán bộ phối hợp với các gia đình khắc phục kịp thời thiệt hại. Hiện tại các hộ gia đình đã ổn định nơi sinh hoạt", ông Sáu nói.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ đêm 18.9 đến sáng nay (19.9) nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to, gió lớn, biển động dữ dội. Đặc biệt, từ trưa nay, vùng đất liền ven biển ở khu vực phía Nam tỉnh Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7.
Trước tình hình bão số 4 gây mưa lớn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai các phương án, sẵn sàng di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn; đồng thời, sẵn sàng phương tiện, nhân lực, trang thiết bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 3.651 tàu, thuyền với 10.666 lao động. Tính tới trưa nay, có 3.650 phương tiện với 10.661 lao động đang neo đậu tại các bến bãi để tránh bão số 4.