Điều này khác với những chị em khác trong nhà đều có tên hoa như Đặng Thị Hạnh, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. "Có lẽ vì chị tôi sinh ra ở quê nội và ba tôi khi đặt tên chị chắc đã nghĩ tới những ráng đẹp mà ông thường ngắm vào các buổi ban mai trên bầu trời quê nhà", bà Hạnh kể lại hồi 2019.
Mối tình của bà Đặng Bích Hà với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đánh giá là êm đềm. Nhà văn Thanh Hương, người bạn thiếu thời của bà Bích Hà kể: "Anh Văn có khi ở lại nhà thầy Đặng Thai Mai (ông Đặng Thai Mai và Đại tướng là những người bạn vong niên - NV) mấy ngày liền. Anh dạy Hà học và hướng dẫn Hà đọc sách. Buổi tối, các em đi ngủ hết, anh Văn và Hà vẫn ngồi lại bên bàn đọc sách và trò chuyện".
Hôn lễ của họ được tổ chức chỉ ba tuần trước ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Đó là một đám cưới đơn giản ở một ngôi nhà trên phố Hàng Bài. Theo bà Võ Hòa Bình (con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp), lễ cưới diễn ra tại phòng khách của ngôi nhà dành cho Hiệu trưởng, trong khuôn viên Trường THCS Trưng Vương hiện nay. Khi đó cụ Đặng Thai Mai ở và làm việc tại ngôi nhà này. Tham dự lễ cưới có bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, làm chủ hôn và bà Nguyễn Thị Thục Viên (nữ đại biểu quốc hội đầu tiên của thủ đô), một người thân của gia đình.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà Đặng Bích Hà học tiếp đại học, sau đó sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Nếu như những người em gái của bà Hà đều là các nhà nghiên cứu văn học nổi danh, thì bà lại là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo giảng dạy lịch sử âm thầm sử ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội rồi làm nghiên cứu viên ở Viện Đông Nam Á.
Tư duy của một người nghiên cứu lịch sử cũng giúp bà Đặng Bích Hà quán xuyến các tư liệu về Đại tướng. Điều này hỗ trợ trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), rất nhiều khi ông Cư tham gia viết hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Phạm Hồng Cư từng chia sẻ, nhà văn quân đội Hữu Mai thể hiện hồi ức của Đại tướng từ khi gặp Bác Hồ cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tá Phạm Chí Nhân, nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn Bộ Quốc phòng, giúp Đại tướng thể hiện đoạn đại thắng mùa xuân 1975. Còn ông Cư viết giai đoạn từ khi Đại tướng chào đời đến khi gặp Bác Hồ. Phần hồi ức này do Đại tướng trực tiếp kể và có sự giúp đỡ rất nhiều của bà Đặng Bích Hà.
Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ hồi 2013: "Chỉ có tôi mới có đủ điều kiện sưu tầm chi tiết bởi anh Văn trực tiếp kể cho tôi. Nhưng người giúp tôi thể hiện cuốn sách nhiều nhất chính là chị Hà. Tôi đến thăm, hỏi về anh Văn thì chị ấy kể". Bà Hà cũng giúp ông Cư xác minh và lý giải năm sinh của tướng Giáp khi lưu trữ Pháp đủ tư liệu giấy tờ chứng minh tướng Giáp sinh năm 1910. Trong khi đó, lại có thông tin ông sinh năm 1911, còn từ điển bách khoa của Anh lại ghi sinh năm 1912…
Lúc nào Đại tướng cũng rất bận rộn, vậy mà chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới. Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 11, Đại tướng lại nhờ các con gái mua một bó hoa hồng nhung, loài hoa mà bà Bích Hà rất thích, để tặng vợ.
PGS-TS Đặng Thị Hạnh khi còn sống chia sẻ: "Một lần, tôi đến thăm chị, khi anh Văn đã phải vào Bệnh viện 108 để dưỡng bệnh. Thấy chị ngồi xếp những chồng báo, tôi hỏi chị hạnh phúc lớn nhất của đời chị là gì. Chị Hà đáp lại ngay, là chị đã có anh Văn. Tôi nghĩ rằng đó là một điều tất nhiên bởi được sống với một người đặc biệt như anh Văn là hạnh phúc lớn của chị tôi". Giờ đây ông bà đã gặp lại nhau.