Học cái chữ để "gieo chữ"
Mặt trời đã lên chính ngọ, mặc cho cái oi nóng vùng biên, đại úy Hơ Văn Di vẫn chăm chú lần đi giở lại, đối chiếu bản danh sách đăng ký với lớp học đêm qua. Đại úy Di lẩm nhẩm khó hiểu: "Lớp học vắng nhiều quá!". Không để tôi hỏi căn nguyên, anh gấp bảng danh sách, nói: "Phải lên nhà cái Dế xem sao đăng ký rồi lại vắng mặt".
Mặc cho cái nắng gắt gao vùng biên, sau vài con dốc khúc khuỷu, mồ hôi ai nấy đã lả chả, căn nhà xiêu vẹo của gia đình Giàng Thị Dế cũng hiện ra giữa lưng chừng đồi đất. Trong căn nhà, đứa trẻ nhỏ, con chị Dế đã luýnh quýnh ngó nghiêng khi thấy có khách. Chẳng giày dép, nó chạy vội về con rẫy trước nhà gọi bố mẹ.
Dưới gốc cây sum suê tán, thỉnh thoảng lại có những cơn gió phả hơi nóng hừng hực. Đại úy Di hiện rõ sự rắn rỏi, nước da sạm nắng trong bộ quân phục. Hỏi mới hay, anh là người Mông bản địa. Năm 20 tuổi, anh Di được dân làng khen có sức khỏe như con trâu rừng, có cái bụng tốt, được các già làng, trưởng bản động viên viết đơn đi bộ đội. Bà con nói, đi bộ đội về để phấn đấu cho cái mình nó rắn rỏi, cái đầu có kiến thức, rồi thì về hướng dẫn bà con trồng cây lúa có nhiều bông, cây bắp có nhiều hạt, giúp bà con no cái bụng.
Sau thời gian được phân công về Đồn biên phòng Quang Chiểu rèn luyện tích cực, năm 2001, anh Di được cử đi học rồi tốt nghiệp trung cấp biên phòng. Ra trường, được cử về Đồn biên phòng Trung Lý với vai trò của người chiến sĩ đội vận động quần chúng.
Vốn là người con của bản nên đi đến đâu anh Di cũng được bà con quý mến; tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật gì bà con cũng nghe, từ việc bỏ hủ tục không đưa người chết vào quan tài hay xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Duy có cái chữ là bà con một mực bảo không cho vào đầu được.
Anh Di nhớ, khoảng năm 2014, khi những lớp xóa mù đầu tiên được mở ra tại các bản Khằm 1, Khằm 2, xã Trung Lý, anh được giao nhiệm vụ đứng lớp. Để vận động bà con đến lớp là rất khó khăn, bởi quan niệm "cái chữ không làm no được cái bụng". Suy tính mãi, bằng nghiệp vụ, anh Di đến từng hộ để vận động, chủ yếu là về đêm, khi đó bà con mới có nhà. Có những gia đình người chồng không cho vợ đi học, đại úy Di phải mua cả rượu và lòng lợn để đến tỉ tê, vận động.
Ban đầu, những lớp xóa mù chỉ khoảng 15- 20 người, nhưng dần dà số lượng tăng lên đến 40, 50 người. Bà con đến lớp thấy đông vui, toàn chị em trong bản, cả lũ nhỏ cũng đòi theo. Khi bà con viết được cái tên mình, bà con cũng vui lắm. Nhất là biết đếm con bò, con trâu trên rẫy, biết ký vào giấy tờ của bản, xã…
Thấm thoát ước mơ năm nào của chàng trai bản Mông là học cái chữ để "gieo chữ" giúp bà con "xóa mù", nay đã được 10 năm, với rất nhiều lớp xóa mù được mở ra do anh đứng lớp. Với đại úy Di, bằng sự cống hiến, năm 2023, anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen về thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho nhân dân trên khu vực biên giới.
Để bà con ai cũng biết đọc, biết viết
Tiếng xe máy của vợ chồng Giàng Thị Dế và cậu con trai trở về khi trời nhá nhem tối. Hóa ra, sau cơn mưa đêm qua, vợ chồng nhà chị Dế tranh thủ lên đồi trồng lại giống sắn bị chết do nắng hạn. Đi từ lúc con gà còn chưa gáy, đứa nhỏ còn chưa thức dậy, đến lúc trời tối công việc vẫn chưa xong. Thấy chúng tôi và cán bộ Di đang chờ, chị Dế như phần ái ngại: "Việc nhiều quá cán bộ à! Dế chưa đến được lớp! Mà có phải lớp của cán bộ Di không đấy?...".
Đại úy Di mỉm cười: "Đấy! Nhiều khi cái lý do nó to như con muỗi thế đấy! Mình không đến thì bà con cũng chưa biết khi nào đến lớp!".
Chúng tôi cùng chị Dế đến lớp sau bữa cơm chiều. Đúng 19 giờ 30, trong tĩnh mịch của đại ngàn thâm u, những đốm sáng đầu tiên là hình ảnh bà con chong đèn đến lớp. Ngày thì các con đến lớp, tối thì đến phần các bà, các mẹ… Nơi tổ chức lớp học là điểm Trường tiểu học Trung Lý 2.
Bản Tà Cóm có 112 hộ, với 620 nhân khẩu thì có tới 102 hộ nghèo. Là một trong những bản khó khăn nhất, cách thị trấn Mường Lát hơn 50 cây số, đến được bản, phải vượt qua những dãy núi cao của "ngàn thước lên cao", rồi "ngàn thước thước xuống", lên đò vượt sông Mã… Nhiều năm nay, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Phần vì giao thông chia cắt, phần vì dân trí thấp, lại là "điểm nóng" ma túy một thời.
Trong đám đông bà con đến lớp, dễ nhận thấy có nhiều học sinh đặc biệt, thậm chí có người 60 tuổi, cũng có phụ nữ trẻ ngoài 20 tuổi bồng bế cả con nhỏ theo. Những đứa trẻ ngoan, chúng tự mình ngồi chơi để mẹ tập đọc, tập viết…
Nhìn những đôi bàn tay chai sạn, khô cứng của những phụ nữ luống tuổi tập viết, những nét chữ không được mấy mềm mại đầu đời, nhưng tôi có thể cảm nhận được cả một sự nỗ lực, cố gắng. Vàng Thị Xia, cô gái mới ngoài 20 tuổi cùng con đến lớp. Xia cho đứa nhỏ 5 tuổi tập vẽ, còn Xia tập đọc theo mọi người. Xia từng được đi học, học hết lớp 3 biết đọc, biết viết nhưng rồi tái mù. Được đi học lại, Xia vui cái bụng lắm, Xia tin biết chữ sẽ dạy được con, sẽ không phải nhờ ai ký tên hộ mỗi khi lên xã nhận chế độ chính sách.
Với Xia, việc tập đọc, tập viết thuận lợi hơn khi từng được đi học. Nhưng với những phụ nữ ngoài 40, 50 tuổi thì việc tập đọc, tập viết, cho cái chữ vào đầu là rất khó khăn. Trường hợp bà Sùng Thị La, sinh năm 1969, chẳng hạn. Ban đầu bà La cũng rất ái ngại việc đến lớp. Già rồi, học cái chữ làm gì. Giờ thì bà La tỉ mẩn tập viết những nét chữ đầu đời. Bà La nói "vui cái bụng lắm, vì biết đọc, biết viết tên mình rồi, đếm con bò, con trâu trong chuồng cũng biết không thiếu".
Nói về thầy Di, bà La rất ưng cái bụng: "Thầy Di là người Mông mình mà! Thầy dạy dễ hiểu. Có lúc thầy Di dạy bằng tiếng người Mông cho mình. Giờ thì nói được, viết được tiếng Việt rồi!".
Khi màn đêm đã trở về với trạng thái yên tĩnh nhất thì tiếng ê a tập đọc, đánh vần của các bà, các mẹ vẫn cứ rôm rả vang lên trong đầu. Tin rằng với sự nỗ lực của đại úy Di, của những người chiến sĩ quân hàm xanh ở những lớp xóa mù khác sẽ góp phần giúp cho bà con dân bản nơi đây ai cũng biết đọc, biết viết;trình độ dân trí được nâng lên, huyện vùng biên sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo như tinh thần Nghị quyết 11 ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.