Giải thích tình trạng này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cho biết cuộc gọi rác không chỉ được thực hiện qua SIM điện thoại mà còn được phát tán từ nhiều hình thức như tổng đài đăng ký với nhà mạng và ứng dụng OTT (ứng dụng truyền thông xuyên biên giới). Gần đây, phần mềm tự động trên máy tính (auto bot) cũng nở rộ, tự động gọi và phát nội dung ghi âm đến khách hàng.
Trong khi đó, đại diện một nhà mạng di động thừa nhận: “Người dùng vẫn bị cuộc gọi rác làm phiền vì việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn nạn tin nhắn rác. Nhiều SIM rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và chuẩn, khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường”.
Khó hiểu vì sao SIM rác vẫn còn
Cung cấp một chi tiết chứng minh cho sự tồn tại dai dẳng đến khó hiểu của SIM rác, bạn đọc (BĐ) Đào Hữu Nhật nêu: “Chừng nào cái SIM rác tôi đang dùng mà vẫn còn nghe, gọi được thì tôi chưa tin nhà mạng xử lý xong vụ SIM rác, không chính chủ này”. Sự khó hiểu còn đến từ việc dường như chính các nhà mạng cũng đang “mắt nhắm mắt mở” trong xử lý tình trạng này. BĐ Lâm Tư Anh bức xúc: “Tôi thấy lạ là sau khi đăng ký SIM chính chủ trên phạm vi cả nước, nhà mạng nhắn cho tôi rằng muốn không bị tin nhắn quảng cáo làm phiền thì soạn tin theo cú pháp để đăng ký dịch vụ chặn. Lạ lùng! Nhà mạng đã xác định được tin nhắn, cuộc gọi rác thì phải chặn và xử lý cho chúng tôi, đằng này lại mở ra dịch vụ chặn tin rác, cuộc gọi rác. Vậy có phải nhà mạng biết tin nhắn rác nhưng vẫn để tồn tại nhằm thêm dịch vụ dọn tin nhắn rác?”.
Vẫn phải nghe các cuộc gọi rác quảng cáo chào mời đủ thứ trên đời, không hiểu sao họ có được thông tin của mình hay vậy?
Kim Long
Mỗi ngày mình vẫn nhận nhiều cuộc gọi rác. Có vẻ chuẩn hóa SIM chính chủ vẫn chưa triệt để.
Lý Vĩnh
Một BĐ chia sẻ câu chuyện cá nhân với hy vọng làm rõ những điểm rò khiến việc chuẩn hóa SIM chính chủ vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn: “Tôi phát hiện 1 SIM điện thoại đăng ký dưới tên tôi. Khi kiến nghị đến nhà mạng thì tôi được cho biết rằng SIM đó đăng ký hợp lệ bằng CCCD của tôi và hình ảnh chụp trực tiếp từ tôi. Sau khi được cung cấp hình ảnh, tôi mới nhớ ra hình ảnh đó là vào ngày tôi đi cập nhật từ CMND sang CCCD cho 1 SIM của nhà mạng khác, khi ấy họ đã yêu cầu tôi cung cấp CCCD và chụp ảnh tôi. Phải chăng SIM rác rò rỉ từ đây mà ra”.
Phải truy địa chỉ trách nhiệm
Cuối tháng 6.2023, cơ quan chức năng tại Hà Nội phối hợp bắt giữ một nhóm người được thuê chở thiết bị BTS (thu phát sóng di động) bất hợp pháp đi phát tán tin nhắn rác. Cũng trong tháng 6, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) và các đơn vị nghiệp vụ công an phát hiện và bắt giữ vụ sử dụng thiết bị BTS tại TP.HCM với cách thức hoạt động tương tự như vụ việc tại Hà Nội.
Tiếp nhận thông tin trên, BĐ Cô Nguyên cho biết: “Bây giờ họ không chỉ dùng số di động mà còn dùng số điện thoại bàn, số tổng đài để gọi quảng cáo đủ chiêu trò, chủ yếu tránh việc bị các nhà mạng chặn khi phát hiện. Rất mong cơ quan chức năng xử lý điều này”.
BĐ Minh Nghĩa đặt vấn đề: “Nhà mạng nói người dùng vẫn bị cuộc gọi rác làm phiền vì việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn nạn tin nhắn rác, vậy người dân trả tiền thuê bao vẫn phải tiếp tục chịu trận tin nhắn rác, cuộc gọi rác? Nhà mạng bán dịch vụ thì phải có giải pháp xử lý việc này cho tới nơi tới chốn chứ?”. Cùng góc nhìn này, BĐ Huy Nhi viết: “Cho dù có biến tướng ra sao thì chắc chắn vẫn phải có giải pháp xử lý. Trước mắt, SIM rác tồn tại thì truy trách nhiệm nhà mạng; các hình thức khác cơ quan quản lý, điều tra… thuộc phạm vi của mình cần vào cuộc, phối hợp để xử lý dứt điểm”.