Theo Sở GTVT TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM, nhưng lưu lượng lớn, trong khi quy mô đường cao tốc chỉ 4 làn xe nên nhanh chóng quá tải. Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là vô cùng cấp bách.
Trong khi đó, đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5 km sau 2 năm đưa vào khai thác cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuyến cao tốc này đang trở thành "nút thắt cổ chai" của miền Tây khi các tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu... lần lượt được đưa vào vận hành khai thác.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việc mở rộng gấp đôi cao tốc huyết mạch đi miền Tây được bạn đọc (BĐ) Thanh Niên đồng tình ủng hộ.
"Tôi và nhiều người dân ở miền Tây rất vui khi đọc được thông tin này. Việc mở rộng cao tốc sẽ giúp tăng cường năng lực vận tải, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đặc biệt trong mùa cao điểm, lễ tết. Chưa kể với hệ thống giao thông hiện đại, chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ giảm rất nhiều, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm địa phương. Hạ tầng giao thông tốt cũng là yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao", BĐ Tuấn Anh ủng hộ.
Tương tự, BĐ Bình Minh cho rằng giao thông thuận lợi sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp trong vùng được vận chuyển nhanh chóng đến các thị trường trong và ngoài nước, tăng giá trị xuất khẩu.
"Hệ thống giao thông thuận lợi cũng sẽ thu hút du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng của miền Tây, thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc kết nối ĐBSCL với các vùng khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng", BĐ này phân tích thêm.
BĐ Đức Anh viết: "Việc kết nối giao thông thuận lợi sẽ giúp người dân tiếp cận được nhiều dịch vụ công cộng hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi rất kỳ vọng dự án này sẽ được thông qua và triển khai trong thời gian sớm nhất".
"Khi giao thông thuận lợi, kéo rất nhiều thứ phát triển theo, trong đó có kinh tế. Việc kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Chưa kể, với hạ tầng giao thông hiện đại, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh... Mong dự án sớm khởi công", BĐ Vĩnh Duy ý kiến.
Miền Tây bứt phá
BĐ Nguyễn Trọng cho rằng với hệ thống giao thông hiện đại, miền Tây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, tạo ra những đột phá mới trong sản xuất, kinh doanh. "Cao tốc là động lực phát triển, nhưng để tận dụng tối đa tiềm năng của nó, chúng ta phải có một kế hoạch hành động cụ thể và khoa học", BĐ này góp ý thêm.
BĐ Vĩnh Cường lưu ý: "Việc mở rộng cao tốc huyết mạch đi miền Tây không chỉ là mong muốn của người dân địa phương mà còn là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Tuy nhiên, để dự án thành công và phát huy tối đa hiệu quả, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ những hạn chế đã từng xảy ra ở các tuyến cao tốc trước đây".
"Việc mở rộng cao tốc huyết mạch đi miền Tây là nhu cầu bức thiết. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án là hết sức cần thiết. Các thủ tục liên quan cần được rút gọn tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án một cách nhanh chóng", BĐ Thanh Quang góp ý.
Việc mở rộng cao tốc là cơ hội để ĐBSCL phát triển nhanh hơn và bền vững, nhưng chúng ta cần rút kinh nghiệm từ quá khứ để tránh những sai lầm tương tự.
Tuấn Vũ
Đây là tin rất đáng mừng cho người dân miền Tây. Hy vọng dự án sẽ được triển khai sớm và mức phí hợp lý sẽ được áp dụng để người dân thuận tiện đi lại.
Nguyễn Khương