Để hạn chế câu chuyện bỏ cọc, "đấu giá cho vui", anh Lực đề nghị tăng mức tiền đặt cọc đối với biển số xe máy cao hơn mức đã đề xuất; riêng với các biển "ngũ quý", "sảnh rồng" có thể cao hơn mặt bằng chung vì những biển này sẽ có giá trị hơn. Với việc phải bỏ ra một số tiền đặt cọc lớn, người tham gia đấu giá sẽ e dè hoặc cân nhắc kỹ trước khi bỏ cọc.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định bỏ cọc là một trong những vấn đề cần rút kinh nghiệm và tìm biện pháp giải quyết triệt để, sau thời gian thí điểm đấu giá biển số ô tô vừa qua. Thực tế cho thấy nếu trúng đấu giá rồi bỏ cọc, người tham gia đấu giá chỉ mất tiền đặt cọc, không chịu chế tài nào khác. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến người tham gia đấu giá dễ dàng bỏ cọc, nhất là những người có mục đích không vì đấu giá được biển số.
Ông Hòa kiến nghị xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba, trong trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Lợi ích của giải pháp này là không cần tổ chức lại phiên đấu giá khác, tiết kiệm chi phí cho cả đơn vị tổ chức đấu giá và cơ quan giám sát đấu giá.
Đồng thời, vị đại biểu cho rằng cần nghiên cứu chế tài đối với người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc; ngoài mất tiền đặt cọc thì còn bị xử phạt hành chính, đồng thời cấm tham gia đấu giá trong thời gian 1 - 2 năm tiếp theo. "Phải có những chế tài mạnh mẽ như vậy thì mới đủ sức răn đe, tránh tình trạng tham gia đấu giá bừa bãi, thậm chí là vì mục đích xấu", ông Hòa nói.
Ở góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) lại cho rằng tăng tiền đặt cọc không phải biện pháp tối ưu để triệt tiêu tình trạng bỏ cọc đấu giá biển số. "Sẽ rất khó để đưa ra một con số tuyệt đối, rằng mức giá khởi điểm bao nhiêu là phù hợp", luật sư nhận định.
Ông Hùng kiến nghị áp dụng chế tài xử phạt hành vi bỏ cọc theo phần trăm số tiền trúng đấu giá, có thể là 30%, 40% hoặc 50%. Điều này đồng nghĩa mức giá trúng đấu giá càng cao thì tiền phạt càng lớn, người tham gia đấu giá nếu không vì mục đích trúng đấu giá chắc chắn sẽ không dám trả mức giá "trên trời" rồi hủy.
"Nếu phạt như vậy, mức giá khởi điểm và đặt cọc 5 triệu đồng là hoàn toàn hợp lý, thậm chí không cần đặt cọc", luật sư Hùng nêu quan điểm và cho rằng biển số xe là tài sản đặc biệt, đấu giá biển số xe là loại hình đấu giá đặc thù, vì vậy cũng nên có những biện pháp quản lý đặc biệt.
Sẽ ngăn được nạn "đấu giá cho vui"
Cũng liên quan đến vấn đề bỏ cọc đấu giá, hiện luật Đấu giá tài sản đang được nghiên cứu sửa đổi. Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, cho hay về bản chất, đấu giá là quan hệ dân sự, khi một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì bên vi phạm chịu chế tài mất tiền đặt cọc.
Để hạn chế tình trạng "cò mồi", tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung quy định người tham gia đấu giá không trả giá, cố tình trả giá không hợp lệ (dưới giá khởi điểm, ghi phiếu sai) thì sẽ bị mất khoản tiền đặt trước.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, nhất là về năng lực tài chính; kèm theo đó là các chế tài xử lý đối với hành vi bỏ cọc đấu giá (cấm tham gia đấu giá, phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng...).