Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 hơn 55.718 tỉ đồng; các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỉ đồng. Ước thanh toán đến hết ngày 30.9 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là hơn 25.746 tỉ đồng, đạt 46,21% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%). Ông Đỗ Thành Trung cho rằng khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 địa phương cũng là khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, các địa phương nêu ra khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất còn khó khăn; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, còn thắc mắc, khiếu nại đơn giá bồi thường về đất. Luật Đất đai mới được ban hành, nhiều dự án phải tính toán lại chi phí GPMB theo quy định mới. Ngoài ra, có nguyên nhân liên quan tới năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư và năng lực triển khai dự án của nhà thầu; khó khăn về thiếu đất đắp nền và cát xây dựng. Đặc biệt, tính đặc thù của các tỉnh Duyên hải miền Trung là các tháng cuối năm thường vào mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án.
Lãnh đạo các địa phương đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để tạo thuận lợi hơn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Các nội dung liên quan tới các quy định của luật Đầu tư công như quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, tách dự án GPMB, phân cấp thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân vốn hằng năm…
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành ghi nhận ý kiến của địa phương, nội dung nào thuộc trách nhiệm của bộ mình thì chủ động giải quyết, nội dung nào vướng thì báo cáo Chính phủ để tìm cách tháo gỡ. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị bám sát chỉ đạo của Chính phủ, theo dõi sát tình hình của địa phương để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
"Trong năm nay, Chính phủ yêu cầu chúng ta phải giải ngân được 95%, vì vậy tất cả 5 địa phương phải thực sự quyết tâm. Về trách nhiệm, tôi đề nghị bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố phải xác định trách nhiệm chính trị trong việc đẩy mạnh các giải pháp để tăng giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch", ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị.