Theo Sở VH-TT, mục đích kêu gọi đầu tư nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp và nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần người dân và phát triển kinh tế xã hội TP.HCM.
Tại hội nghị, UBND TP.HCM sẽ giới thiệu đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Đồng thời, kêu gọi đầu tư 5 dự án xây dựng mới thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao theo hình thức đối tác công tư (PPP), gồm: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật lao động A-B; Nhà hát Gia Định; Trung tâm văn hóa TP.HCM; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật TP.HCM tại Thủ Thiêm và Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng TP.HCM tại H.Cần Giờ.
Tính đến tháng 9.2024, tổng mức đầu tư xây dựng mới 5 dự án dự kiến gần 2.352 tỉ đồng.
Cụ thể, 1.643 tỉ đồng xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng TP.HCM tại H.Cần Giờ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thể thao của người dân.
Riêng trung tâm tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) được xây dựng với mục tiêu tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, công suất 3.000 chỗ nhưng hiện chưa xác định mức đầu tư.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kêu gọi đầu tư Trung tâm Văn hóa TP.HCM (Q.1) vốn đầu tư 295 tỉ đồng, Nhà hát Gia Định (Q.Bình Thạnh) 250 tỉ đồng và Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lao động A-B (Q.5) 164 tỉ đồng.
TP.HCM ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, chung tay xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, đẩy mạnh mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa, định hướng trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của TP.HCM.
Trước đó, ngày 4.7, Sở VH-TT TP.HCM cho biết sẽ triển khai thực hiện đề án Công nghiệp văn hóa đến năm 2030 và lựa chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển.
Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025, giai đoạn 2 năm 2026 - 2030. Theo đó, trong giai đoạn 1, TP.HCM tập trung phát triển thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, thông qua đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa. Đặc biệt, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, đóng góp nhiều giá trị vào GRDP của TP.HCM là quảng cáo, triển lãm, điện ảnh, thời trang, du lịch văn hóa.
Theo chỉ tiêu đề ra, 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào doanh thu tăng trưởng kinh tế - xã hội TP.HCM khoảng 148.000 tỉ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỉ đồng và 94.800 tỉ đồng vào năm 2030.