Ngày 11.12, HĐND TP.Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026, tiếp tục diễn ra kỳ họp thứ 18 (kỳ họp cuối năm 2024) với phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Cần Thơ cho biết, theo tinh thần của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ thì "chống lãng phí là diệt mối họa lớn cho đất nước". Tuy nhiên, ở Cần Thơ đang có tới một "chùm lãng phí". Cụ thể, 12 công trình, dự án (DA) có thể gọi là "mối họa trong lãng phí" đang diễn ra tại thành phố này.
Đó là, đường đi bộ quanh hồ Búng Xáng, nhưng không đi được từ lúc xây dựng đến nay. Kè sông Cần Thơ xây dựng chưa "liền mí", có đoạn còn chưa làm, khi xây dựng kè mong là làm đẹp cho bộ mặt đô thị nhưng sau kè lại không có hệ thống giao thông đồng bộ.
Tiếp theo là Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ xây dựng trên 8 năm chưa xong, nay đã dừng lại, trong khi bệnh viện cũ quá tải. Công trình tòa nhà cơ quan Liên đoàn Lao động TP.Cần Thơ xây dựng xong năm 2011 nhưng không vào làm việc được, hiện xuống cấp nghiêm trọng.
Tiếp đó, ông Dũng kể năm 2014, UBND TP.Cần Thơ ra quyết định thu hồi 3 khu đất bãi công trường 4, 5, 6 với diện tích hơn 188.000 m2, đến nay trên 10 năm chưa đưa vào sử dụng gì làm cho đất công lãng phí.
Danh mục nằm trong "chùm lãng phí" tại TP.Cần Thơ theo vị đại biểu này còn có: khu chuyên gia cầu Cần Thơ, tòa nhà TAND TP.Cần Thơ (cũ), đường lộ Hậu Kinh Thạnh Đông; khu tái định cư Thới Nhựt; DA kè sông Cái Sơn; khu đất công viên nước ở cồn Cái Khế 4,51 ha bỏ hoang nhiều năm nay và DA khu cồn Ấu đang làm rất chậm, UBND TP.Cần Thơ đã gia hạn.
"Thành phố cho biết vì sao những công trình trên vừa qua để lãng phí như vậy, giải pháp tới ra sao để không còn hoặc hạn chế lãng phí tiền của nhà nước và của nhân dân? Đối với từng chủ đầu tư và tổ chức được giao quản lý các công trình dự án trên có kế hoạch gì để khắc phục lãng phí?", ông Nguyễn Văn Dũng chất vấn.
Lãng phí tài nguyên và nguồn lực
Liên quan vấn đề này, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ cho biết, 12 công trình, DA nói trên liên quan rất nhiều cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư. Những công trình, DA này chưa kịp thời đưa vào khai thác sử dụng thì nguy cơ cao là lãng phí tài nguyên, lãng phí nguồn lực.
Về phía Sở KH-ĐT TP.Cần Thơ, thời gian tới sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công, phân bổ nguồn vốn thực hiện các công trình, cùng các chủ đầu tư điều chuyển nguồn vốn phù hợp để đảm bảo có nguồn vốn giải ngân. Trong đó, ưu tiên tập trung cho các công trình trọng điểm hoàn thành sớm, nhằm góp phần tạo đà cho sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, sở sẽ tăng cường giám sát theo chức năng và phối hợp các sở ngành hỗ trợ các thủ tục đầu tư công và đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách.
"Với các DA gặp khó khăn như Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, DA nâng cấp đô thị (DA thành phần 3), sở sẽ phối hợp các sở ngành, báo cáo công an thành phố để hoàn thành sớm các điều kiện, sớm tiếp tục triển khai thực hiện để tránh thất thoát lãng phí", ông Tâm nói.
Tại kỳ họp, ông Phạm Văn Hiểu, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Cần Thơ, yêu cầu những sở ngành được UBND TP.Cần Thơ giao quản lý, thực hiện 12 công trình, DA nói trên báo cáo cụ thể thực trạng lần lượt từng công trình, DA và hướng giải pháp trong thời gian tới.