Đối với cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thời gian triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, phía TP.HCM đề nghị cần lưu ý thời điểm triển khai thi công phần cầu dẫn phía TP.HCM thực hiện sau khi tuyến đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu hoàn thành đưa vào khai thác để đảm bảo giảm ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái.
Cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái hiện hữu là một trong những công trình được nhiều bạn đọc (BĐ) mong ngóng. Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM, lưu lượng người dân qua phà Cát Lái trung bình khoảng 50.000 lượt khách/ngày, giai đoạn cao điểm dịp lễ tết có khi lên tới 100.000 lượt/ngày. Trung bình, thời gian chờ phà và di chuyển qua sông của một lượt khách là khoảng 20 phút.
Cú hích kinh tế
Thông tin TP.HCM và Đồng Nai thống nhất phương án xây cầu Cát Lái được đa số BĐ hoan nghênh vì đây thực sự là một nhu cầu bức thiết. BĐ NewWay nêu ý kiến: "Thử đi phà Cát Lái những ngày cuối tuần sẽ thấy cảnh kẹt xe kinh khủng thế nào. Có khi chờ mấy tiếng mới lên được phà. Nhu cầu xây một cây cầu thực sự cấp thiết". Cùng nhận định này, BĐ Vo1405 bày tỏ: "Theo mình, xây cầu Cát Lái càng sớm càng tốt, không thể mất 2 tiếng đồng hồ về nhà mà đoạn đường chỉ 5 km. Phải làm ngay, không có lý do gì cản trở, điều này hợp với lòng dân".
Không chỉ đáp ứng mong mỏi "muốn về nhà sớm" của những người dân sinh sống, làm việc hai bên bờ sông Đồng Nai, nhiều BĐ còn nhấn mạnh đến vai trò kết nối kinh tế giữa các khu vực tiềm năng của cầu Cát Lái và cả những cây cầu khác trong tương lai. BĐ Hieu Thuan Nguyen Chau khẳng định: "Nhu cầu lưu thông giữa TP.HCM và Đồng Nai là rất lớn, cần thiết xây càng nhiều cầu qua lại giữa hai địa phương này thì kinh tế của cả vùng Đông Nam bộ sẽ tăng rất nhanh". Tán thành, BĐ mtrangg7773 nhận xét: "Việc tổ chức thực hiện xây dựng cầu thay thế phà là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, là cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra không gian phát triển kết nối vùng miền".
Đồng bộ kết nối
Nhắc đến cầu Cát Lái trong tương lai, nhiều BĐ cũng nhấn mạnh đến sự đồng bộ hạ tầng một khi dự án sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. BĐ Trường Lưu lưu ý: "Sân bay Long Thành hoạt động thì vai trò của cầu Cát Lái rất quan trọng trong việc vận chuyển con người, hàng hóa".
Vui vì phương án xây cầu Cát Lái đã được thống nhất, nhưng không ít BĐ ngạc nhiên vì sao quá trình "thai nghén cầu Cát Lái" từ ý tưởng đến lúc thống nhất được phương án xây cầu lại bị chậm trễ nhiều năm qua? BĐ Huy Lê nêu ý kiến: "Tôi là một người dân Nhơn Trạch, tôi đợi chờ cây cầu từ nhiều năm nay. Tôi nhớ năm 2017, Chính phủ lúc đó đã đồng ý cho triển khai xây dựng, người dân vui mừng. Rồi lại chờ đợi, đến 2024 mới thống nhất được phương án thì còn phải chờ các bước tiếp theo…".
Từ những băn khoăn trên, BĐ Minh Nghĩa đề nghị: "Một khi đã thống nhất được phương án xây cầu Cát Lái thì hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai cũng cần thống nhất luôn phần quy hoạch hạ tầng giao thông để việc kết nối với cây cầu được đồng bộ, tránh cảnh cầu xây xong nhưng đường vào cầu vẫn đang… chờ giải tỏa. Có vậy, người dân mới không uổng công chờ đợi". "Quan trọng nhất là làm công trình nào thì tập trung dứt điểm công trình đó, đừng để chậm tiến độ thi công, tránh cảnh quá tải vì công trình trọng điểm", BĐ Trần Khang góp ý thêm.
TP.HCM kết nối với Đồng Nai càng nhiều hướng tuyến, càng nhanh càng lợi.
Thuat Hoc
Làm ngay cầu Cát Lái để đồng bộ nhu cầu đang tăng mạnh.
Thuy
Tiềm năng của cầu Cát Lái là vô cùng lớn, sẽ là một cú hích cho kinh tế toàn khu vực.
Tuấn An