Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong những năm gần đây, số lượng lao động nhập cư có xu hướng giảm. Cụ thể, tỷ lệ tăng dân số cơ học ở TP.HCM đã giảm từ 1,7% (tương đương có từ 170.000 - 180.000 người nhập cư) vào năm 2020 xuống còn 0,67% (khoảng 65.000 người) vào năm 2023.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do khoảng cách về cơ hội nghề nghiệp giữa các địa phương đã được rút ngắn đáng kể. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là tiền thuê trọ, cùng áp lực công việc và cường độ làm việc lớn khiến người lao động tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến người lao động có xu hướng lựa chọn làm việc tại quê nhà thay vì di chuyển đến TP.HCM.
Xu thế tất yếu
Nhận xét về thực trạng nguồn lao động tại TP.HCM, nhiều bạn đọc (BĐ) đánh giá "đây là xu thế tất yếu". BĐ vchieu65 nêu: "Đó là xu hướng dịch chuyển lao động tất yếu khi nhiều địa phương khác cũng đã phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo cơ hội việc làm tương tự như TP.HCM. Người lao động có xu hướng ly nông nhưng không ly hương".
Một xu hướng tất yếu khác trong thị trường lao động cũng được BĐ Tan Nguyen đề cập: "Tại TP.HCM, các doanh nghiệp dần hướng đến sử dụng máy móc công nghệ cao. Điều này khiến cơ hội cho lực lượng lao động tay chân, lao động thủ công ngày càng bị thu hẹp".
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến của BĐ lo lắng về thực trạng này. BĐ Minh Nghĩa nêu: "Nếu chỉ nhận diện đây là một xu thế tất yếu mà không kịp có những chính sách, điều chỉnh để thích nghi phù hợp, thì liệu đến lúc nào đó chúng ta có phải đặt ra nhu cầu nhập khẩu lao động như các thị trường lao động trên thế giới hiện nay".
Tán thành, BĐ Thủy cho rằng những lo lắng trên "rất đáng cân nhắc" trong bối cảnh bức tranh kinh tế TP.HCM đang phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động ngoại tỉnh: "Trong lúc chờ nền kinh tế phát triển, chuyển đổi với hàm lượng giá trị sản phẩm làm ra cao hơn, thì hiện nay TP.HCM vẫn cần lực lượng lao động phổ thông, nhân công làm việc tại các dây chuyền sản xuất".
Làm gì để có nguồn lao động ổn định ?
Kết quả khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) với khoảng 2.000 doanh nghiệp cho thấy các ngành như dệt may, giày da, điện tử, thương mại dịch vụ, lưu trú ăn uống và xây dựng sử dụng nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là lao động phổ thông, không yêu cầu tay nghề cao. Nhiều doanh nghiệp trong số này có tỷ lệ lao động ngoại tỉnh lên đến hơn 60%.
Đa số BĐ cho rằng các cơ quan quản lý cần sớm có kế hoạch "theo kịp xu hướng dịch chuyển này". BĐ Trường Lưu nêu ý kiến: "Chẳng hạn, việc quy hoạch sản xuất, sản phẩm tại các đô thị lớn như TP.HCM cần tính đến mục tiêu chất lượng cao, với các sản phẩm có hàm lượng giá trị cao, từ đó giúp thu nhập của lực lượng sản xuất cũng sẽ cao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Như vậy mới không bị động nguồn nhân lực".
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho rằng việc dịch chuyển lao động mở ra nhiều cơ hội nhất định, điển hình là tạo động lực phát triển kinh tế cho các địa phương lân cận và cân bằng phân bố dân cư. Qua đó, thúc đẩy việc nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ.
Ở góc độ khác, BĐ Nguyễn Văn Thủy đề xuất: "TP.HCM nên xây dựng thêm nhiều chính sách an sinh xã hội hiệu quả cho người lao động để có nguồn lao động ổn định, bền vững, có tay nghề cao, nhất là nhà ở xã hội cho người lao động muốn định cư lâu dài".
Xét kỹ thì xu hướng dịch chuyển lao động là tích cực, nhưng cũng cần xem xét liệu có thiếu hụt lao động so với nhu cầu của TP.HCM sắp tới.
Trịnh Cường
Theo tôi, công nhân các khu công nghiệp rời đi, nhưng tài xế xe công nghệ thì lại tăng nhiều hơn. Điều này rất đáng suy ngẫm.
Trí Đức Lê Đặng
Nếu ở quê có việc làm, dù mức lương bằng 50 - 60% mức lương ở TP, tôi cũng chọn ở quê. Gần nhà, gần gia đình, bạn bè, xóm làng...
Nguyên