Cùng ngày, từ phản ánh của người dân tổ 4, ấp An Mỹ, xã An Khánh, H.Châu Thành (Bến Tre), PV Thanh Niên ghi nhận nguồn nước dưới các mương vườn dừa, kênh nội đồng tại khu vực này có màu đen kịt, bốc mùi tanh.
Nhiều chủ vườn dừa cho rằng, họ đang phải gánh chịu thiệt hại mà nguyên nhân từ việc sản xuất của một cơ sở sản xuất thực phẩm có nguyên liệu từ củ hũ dừa tại đây gây ra. Bà Phan Thu Cúc (66 tuổi, ngụ ấp An Mỹ, xã An Khánh, H.Châu Thành, Bến Tre), chủ vườn dừa 1,2 ha, bức xúc: "Dừa nhà tôi bị cơ sở C.T xả thải tràn vô mương vườn, làm nước đen ngòm ô nhiễm; nhiều cây dừa bị đuông ăn (sâu hại) chết rồi. Cả xóm bức xúc vì vườn dừa của ai cũng bị thiệt hại và cùng phản ánh lên UBND xã An Khánh yêu cầu giải quyết dứt điểm".
Tương tự, bà Nguyễn Thị Cam (64 tuổi), cho biết, do sâu hại nên 3,5 công dừa của gia đình bà đã phải chặt bỏ và hiện cũng chưa biết trồng cây gì khác trở lại. "Chúng tôi ở đây mấy chục năm qua trồng dừa có bị đuông ăn gì đâu. Chỉ từ khi cơ sở chế biến củ hủ dừa C.T đến đây thì cây dừa của chúng tôi mới bị đuông ăn, chết liên tục", bà Cam nói.
Theo phản ánh của người dân, thông thường, các chủ vườn dừa chỉ bán củ hũ dừa khi vườn đã bị đuông ăn. Trong khi đó, việc cơ sở C.T mua củ hũ dừa từ các nơi tập kết về đây để chế biến mà không xử lý tốt đã dẫn đến sâu bệnh phát triển lây lan, gây hại cho vườn dừa của người dân.
Ông Trần Đinh Phúc, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh, cho biết chính quyền địa phương đã nhận phản ánh của tập thể người dân trồng dừa ở ấp An Mỹ cho rằng hoạt động chế biến củ hũ dừa của doanh nghiệp C.T gây ô nhiễm môi trường nước, phát tán sâu bệnh gây hại ra vườn dừa xung quanh. Tuy nhiên, UBND cấp xã không đủ thẩm quyền để kiểm tra mà phải trình lên cấp huyện, cấp tỉnh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Sang, Chủ tịch UBND H.Châu Thành thông tin, khi có kết quả kiểm tra toàn diện tại khu vực hoạt động của doanh nghiệp C.T nếu phát hiện vi phạm, địa phương sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật và thỏa đáng cho người dân.