Theo UBND TP.Long Khánh, tiệm bánh mì Băng quy mô phục vụ trên 1.000 ổ/ngày (bán 2 buổi/ngày). Các nguyên liệu để bán: gồm thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua, tự làm); nước sốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài). Riêng trong ngày 30.4 (ngày nghi xảy ra ngộ độc - PV), chủ cơ sở cho biết bán ra 1.100 ổ bánh mì (sáng 500 ổ; chiều 600 ổ).
Báo cáo cũng cho biết, tính đến 7 giờ ngày 2.5, tổng số người nhập viện khám và điều trị tại các bệnh viện là 222 người. Trong đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 209 bệnh nhân; Bệnh viện đa khoa Cao Su Đồng Nai tiếp nhận 13 trường hợp.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo UBND TP.Long Khánh, cập nhật đến 15 giờ cùng ngày, tổng số người nghi bị ngộ độc lên đến 328 ca. Trong đó, 220 ca đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh; chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai 9 ca; xuất viện 11 ca và cấp toa thuốc cho 88 ca.
Theo UBND TP.Long Khánh, tiệm bánh mì Băng là tiệm bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ, không có khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.
Ngay khi sự việc xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Long Khánh đã kiểm tra cơ sở, tiến hành niêm phong tủ cấp đông (trong đó có nhiều nguyên liệu); đồng thời buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 1.5.
Lập mới đơn vị tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, do số lượng bệnh nhân có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhập viện quá nhiều, trong sáng 2.5, lãnh đạo bệnh viện quyết định lập mới một đơn vị, chuyên tiếp nhận các bệnh nhân nghi ngộ độc để tập trung điều trị, với số lượng 70 giường; đồng thời huy động nhân lực, vật lực tập trung chữa trị.
Trả lời PV Thanh Niên vào trưa 2.5, bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, tính đến sáng cùng ngày, có hơn 200 ca đến điều trị, trong đó 160 ca nhập viện, đặc biệt có 2 ca nặng đã chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp tục điều trị.
Cũng theo bác sĩ Huyên, ngoài các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, gần 70% bệnh nhân bị sốt, sốt liên tục, có người sốt rất là cao.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, từ sáng 1.5, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận nhiều bệnh viện nhập viện trong tình trạng: nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng... Các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột và tiến hành chữa trị.
Các bệnh nhân có điểm chung là trước đó có ăn bánh mì thịt mua tại cơ sở bánh mì Băng trong khoảng thời gian chiều tối 30.4. Sau khi ăn xuất hiện các triệu chứng như trên, sau khi mua thuốc uống không hết nên đã nhập viện điều trị.
Nhiều gia đình có 4- 5 người cùng bị ngộ độc
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, những người nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ, thanh niên, người lớn và cả người già. Trong đó có nhiều gia đình cả 4 - 5 người đều bị ngộ độc và nhập viện điều trị.