Không giống như các dòng ô tô khác trên thị trường, xe bán tải có thiết kế đặc thù, chính vì vậy luôn có sự khác biệt dễ nhận thấy về công nghệ, động cơ. Đây là phân khúc có phần lớn mẫu mã được nhà sản xuất trang bị động cơ dầu diesel. Tại Việt Nam, không bàn đến các mẫu xe bán tải được một số khách Việt sắm để làm “xe chơi” như Ford F-150, Ram 1500… hầu hết các mẫu xe bán tải phổ biến nhất hiện nay như Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Mazda BT-50, Isuzu D-Max, Nissan Navara… đều trang bị động cơ dầu diesel.
Do đó, có không ít khách hàng thắc mắc, tại sao phần lớn xe bán tải thường được các nhà sản xuất trang bị động cơ dầu diesel và hiếm khi có bản máy xăng (!?) Thực tế, bán tải là một dòng xe đặc thù, được thiết kế không chỉ để chở người mà còn để tải hàng hóa. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Úc… xe bán tải phần lớn được sử dụng để phục vụ công việc vận tải hàng hóa, kinh doanh. Chính vì vậy, để phù hợp với công năng cũng như nhu cầu, mục đích của phần lớn người dùng xe bán tải, “trái tim”trên những chiếc bán tải cũng có những khác biệt để đáp ứng khả năng vận hành cũng như tính kinh tế cho người dùng.
Dưới đây là 4 lý do chính khiến xe bán tải thường được nhà sản xuất trang bị động cơ dầu diesel:
Động cơ dầu cho lực kéo tốt hơn
Động cơ diesel thường tạo ra mô-men xoắn cao hơn đáng kể so với động cơ xăng, đặc biệt ở tốc độ thấp. Vì vậy, xe bán tải dùng động cơ dầu diesel chở hàng hoá nặng vẫn vận hành linh hoạt trên các địa hình phức tạp. Nói một cách đơn giản, động cơ diesel cung cấp lực kéo tốt hơn ngay cả khi chở tải nặng.
Tiết kiệm nhiên liệu hơn
Bản chất của động cơ diesel là có mức tiêu hao thấp hơn động cơ xăng cùng dung tích trong cùng điều kiện (ví dụ: kích thước thân xe, trọng lượng xe, kích thước…) nên xe bán tải động cơ diesel giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn so với xe động cơ xăng cùng dung tích. Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia trên thế giới, giá bán lẻ dầu diesel thường thấp hơn so với giá xăng.
Chi phí bảo dưỡng thấp hơn
Về lâu về dài, động cơ diesel có chi phí bảo dưỡng thấp hơn động cơ xăng. Điều này là do động cơ diesel được thiết kế mạnh mẽ, bền bỉ và có khả năng chịu lực nén cao. Có ít điểm sửa chữa hơn. Do đó việc bảo trì dễ dàng hơn.
Công suất, mô-men xoắn phù hợp với trọng lượng, công năng của xe
Xe bán tải thường được thiết kế với kích thước, trọng lượng thân xe tương đối lớn, bên cạnh đó còn được sử dụng để kéo, chở đồ đạc, hàng hoá. Nếu sử dụng động cơ xăng có mô-men xoắn thấp sẽ khiến xe vận hành ì ạch và tốn nhiên liệu. Nếu sử dụng nhiều và liên tục đi đường dài, về lâu dài có thể khiến động cơ xuống cấp nhanh hơn bình thường. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết xe bán tải đều lựa chọn sử dụng động cơ diesel thay vì động cơ xăng.