Đây là nội dung được đưa ra tại cuộc làm việc giữa Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc với đoàn công tác của Tập đoàn nhôm Kam Kiu, Hồng Kông (Trung Quốc) về xúc tiến đầu tư tại tỉnh Nam Định vào ngày 24/7.
Ông Phạm Gia Túc cho biết, tại tỉnh Nam Định đang có một số tập đoàn, doanh nghiệp của Trung Quốc và của nhiều quốc gia trên thế giới mới hoàn tất đầu tư, đưa nhà máy vào hoạt động. Trong đó có Tập đoàn Quanta Computer Inc., của Đài Loan (Trung Quốc), Công ty TNHH TOP TEXTILES thuộc tập đoàn Toray (Nhật Bản). Việc các tập đoàn đưa nhà máy vào hoạt động là những minh chứng tỉnh Nam Định có thể sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, trong đó có Tập đoàn nhôm Kam Kiu.
Theo ông Harley Lei - Chủ tịch Tập đoàn nhôm Kam Kiu, tập đoàn đã tìm hiểu kỹ tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và thống nhất quyết định sẽ đầu tư tại khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định. Trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại Nam Định, phía tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa từ phía chính quyền địa phương. Phía tập đoàn có nhu cầu sử dụng 12-20ha đất để đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện nhôm cho các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh (điện thoại, màn hình máy tính, loa, đồng hồ) và phụ tùng ô tô. Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn tại nước ngoài, với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD.
“Chúng tôi lựa chọn tỉnh Nam Định là điểm đến đầu tư vì chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, cam kết của các lãnh đạo tỉnh. Tôi nhận thấy, khu công nghiệp Mỹ Thuận nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc giao thương, hướng tới một nền công nghiệp xanh”, ông Harley Lei - Chủ tịch Tập đoàn nhôm Kam Kiu cho biết thêm.
Được biết, các sản phẩm do Tập đoàn nhôm Kam Kiu sản xuất và các đối tác sử dụng sản phẩm này đòi hỏi quy trình sản xuất chặt chẽ đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vì vậy, toàn bộ dự án đầu tư tại Nam Định sẽ được phía tập đoàn sử dụng hệ thống thiết bị mới, công nghệ hiện đại của nhóm G7 - nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
Theo ông Harley Lei, với dự án này, phía tập đoàn mong muốn đến tháng 5/2025 sẽ hoàn tất đầu tư nhà máy và đưa vào vận hành, sản xuất. Do vậy, phía mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định tạo điều kiện, hỗ trợ tập đoàn thực hiện thuận lợi các phần việc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng. Trong đó, đề xuất tỉnh Nam Định chú trọng hỗ trợ về cung ứng các dịch vụ phụ trợ để bảo đảm vận hành sản xuất gồm: điện, khí tự nhiên LNG, nước sạch, xử lý nước thải...
Trước đề xuất của Tập đoàn nhôm Kam Kiu, ông Phạm Gia Túc – Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định hoan nghênh việc Tập đoàn Kam Kiu quyết định lựa chọn Nam Định để đầu tư dự án đầu tiên tại nước ngoài với hệ thống công nghệ cao, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Để nhà đầu tư có thể đưa nhà máy vào hoạt động vào tháng 5/2025 theo tiến độ đề xuất, tỉnh Nam Định sẽ giao ngành chức năng liên quan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc, hỗ trợ tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan trong đầu tư dự án tại Nam Định. Với việc cấp giấy phép đầu tư, tỉnh Nam Định đảm bảo sẽ hoàn tất trong vòng 36 tiếng khi nhà đầu tư đã bảo đảm cung cấp hồ sơ đầy đủ.
Cũng theo ông Túc, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra không gian mới để thu hút đầu tư phát triển tỉnh. Tại Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung đang thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam về khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất khai thác điện mặt trời để sử dụng. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng đã quy hoạch và đang thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện LNG để chủ động nguồn năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp đang ngày một nhanh, mạnh hơn. Vì vậy, đối với các dịch vụ phụ trợ để tập đoàn vận hành sản xuất hiệu quả, tỉnh Nam Định cam kết bảo đảm cung cấp đầy đủ, đạt chất lượng.
Hiện, tỉnh Nam Định đã chú trọng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất như các dịch vụ hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nước, xả thải… để cung ứng, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh Nam Định cũng dần hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thuận lợi kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia, tạo nhiều thuận lợi cho người dân đi lại và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.