Trong khi các phiên bản GR tập trung nâng cấp khả năng vận hành, Toyota Hilux GR Sport II chỉ là một bản GR Sport có ngoại hình thể thao và hầm hố hơn. Do đó, xe giữ nguyên thông số nguyên bản. Cách gọi tên này tương tự AMG hay M Sport của Mercedes-Benz.
Cụ thể, động cơ xe sử dụng vẫn là loại diesel tăng áp dung tích 2.8 lít quen thuộc cho công suất 201 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm. Hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động 2 cầu cũng không có gì thay đổi so với các phiên bản thường. Do vậy, những trải nghiệm lái sẽ không đặc biệt hơn và khó cạnh tranh với Ford Ranger Raptor dùng động cơ 3.0 lít.
Tuy nhiên, kết cấu thân xe đã được thay đổi đôi chút để nâng tầm trải nghiệm lái. Chiều rộng trội hơn (+150 mm), gầm nâng cao (+20 mm) và hệ thống đánh lái được tinh chỉnh nhanh nhạy hơn. Ngoài ra, hệ thống treo cải tiến, phanh đĩa lớn hơn cho cả bánh trước và sau (trước bánh sau dùng phanh tang trống) cũng là một nâng cấp nhắm tới cải tiến khả năng vận hành. Những thay đổi này phần nào đó sẽ giúp chiếc bán tải ổn định và đầm xe hơn khi vận hành ở tốc độ ca.
Ngoại hình là điểm thay đổi dễ thấy nhất, phần đầu xe được làm lại hầm hố hơn với tản nhiệt mắt lưới tổ ong tối màu kèm dòng chữ Toyota khổ lớn giống các phiên bản TRD ở Mỹ, cản trước thể thao và khung bảo vệ chắc chắn. Từ hông tới đuôi xe, các điểm nhấn khác biệt có thể kể đến vòm bánh tối màu, mâm hợp kim tối màu 17 inch đi kèm lốp địa hình, nắp gương hay tay nắm tối màu trên nền đỏ tổng quát.
Nội thất xe tiếp tục kết hợp tông đen - đỏ với ghế thể thao bọc da kèm da lộn khâu chỉ tương phản. Logo GR, bàn đạp nhôm, dàn 9 loa JBL cao cấp và màn cảm ứng trung tâm 8 inch hỗ trợ Android Auto nối dây/Apple CarPlay không dây là một vài điểm nhấn khác.
Giá khởi điểm công bố cho Toyota Hilux GR Sport II ở mức 49.750 bảng, tương đương 1,58 tỉ đồng. Mức giá này khá đắt đỏ khi so sánh với đối thủ Ford Ranger Raptor. Nếu về Việt Nam, phiên bản Hilux này sẽ có giá cao ngất ngưởng do phải chịu thêm các khoản thuế, phí.