So với giai đoạn trước đây, những tên tuổi ô tô Trung Quốc đã và sẽ đặt chân đến Việt Nam thời điểm này đều có nhiều thay đổi. BYD, Chery hiện đã là những thương hiệu toàn cầu. Haval, MG đã chinh phục được nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc, trong đó có các thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi, những thương hiệu khác như Beijing, Hongqi, Wuling, Lynk & Co hay Haima đều đã có chỗ đứng ở "quê nhà" Trung Quốc và sẵn sàng vươn tới các thị trường lân cận. Điều này đang phần nào cho thấy uy tín thương hiệu và chất lượng xe ô tô Trung Quốc đã dần cải thiện.
Ngoài ra, cách tiếp cận thị trường Việt của các thương hiệu xe láng giềng giai đoạn này cũng đã khác. Có thể thấy nhiều "ông lớn" ô tô Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng hẳn nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tại Việt Nam, thể hiện sự "nghiêm túc" và quyết tâm gắn bó lâu dài với thị trường.
Dĩ nhiên, cuộc "cách mạng 2.0" của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam có thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực kể trên, khó có thể phủ nhận tiềm năng và triển vọng của những thương hiệu xe từ thị trường láng giềng trong lần trở lại này.