>> Hơn 72 triệu xe máy xăng ra đường, ô nhiễm nặng nề, chuyển nhanh sang xe máy điện
>> Xe máy điện sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn bán xe “hai giá”
>> Thiếu chính sách khuyến khích phát triển xe máy điện
>> Chuyển đổi sang xe máy điện: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt
>> Kỷ nguyên xe máy điện khi nào sẽ đến?
>> Xe máy xăng không kiểm soát khí thải, gây thiệt hại lớn
Doanh nghiệp Việt yếu thế
Theo Hiệp hội Ô tô, Xe đạp, Xe máy Việt Nam (VAMOBA), đã có thời điểm quy mô thị trường xe đạp điện, xe máy điện đạt mức 700 ngàn xe/năm, nhưng từ sau đại dịch Covid-19, bị đẩy tụt về mức dưới 400 ngàn xe/năm. Tỷ lệ nội hoá của toàn ngành hiện chỉ đạt khoảng 45%.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó chủ tịch VAMOBA cho rằng, những số liệu trên thể hiện chính sách vĩ mô chưa rõ ràng và thiếu các cơ chế khuyến khích đặc biệt cho phương tiện này. Hiện các doanh nghiệp sản xuất xe máy điện Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với tổng vốn đầu tư từ 50-70 tỷ đồng. Mặt bằng sản xuất vẫn phải tự lo, không nhận được hỗ trợ từ chính quyền. Thiếu vốn, nhưng rất khó vay ngân hàng, bởi không có tài sản đảm bảo, cùng với đó là nguồn nhân lực có trình độ tay nghề không cao và công nghệ sản xuất còn yếu.
Hiện doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy điện, nhập khẩu linh kiện phải chịu thuế suất 20%. Xe máy điện vẫn chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển số như xe máy xăng. Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ người dân mua xe máy điện… Chính vì thế, giá xe máy điện còn khá cao so với xe máy xăng. Doanh nghiệp Việt có doanh số bán cao nhất đạt trên 50.000 xe/năm, còn lại hầu hết dưới 10.000 xe/năm, có không ít doanh nghiệp đang thua lỗ.
Trong khi đó, với gần 20 năm phát triển và được ưu đãi quá nhiều, các nhà sản xuất xe máy xăng có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), không chỉ thao túng thị trường mà còn kiểm soát phần lớn các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng linh kiện. Điều này khiến cho các nhà sản xuất xe máy điện Việt Nam chật vật tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, chủ yếu vẫn phải nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.
Đến nay, Nhà nước vẫn chưa ban hành hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ, để khuyến khích các phương tiện giao thông năng lượng mới. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đối với xe máy xăng, đang mang lại rất nhiều lợi nhuận béo bở cho các doanh nghiệp FDI mà không chịu bất kỳ sức ép chuyển đổi sang công nghệ năng lượng mới nào. Càng kéo dài doanh nghiệp sản xuất xe máy xăng càng hưởng lợi.
Cơ hội lớn vào tay doanh nghiệp nước ngoài?
Thị trường xe máy điện Việt Nam, được đánh giá rất tiềm năng, có quy mô lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Nhận thấy tiềm năng này, các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Cuối tháng 1/2024, Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea (Trung Quốc) đã tổ chức lễ động thổ Nhà máy sản xuất xe máy điện thông minh tại khu công nghiệp Tân Hưng huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất 2 triệu xe điện/năm, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2025. Trước đó, năm 2029, Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea đã xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, công suất 500.000 xe/năm. Chỉ riêng nhà đầu tư này đã có công suất tới 2,5 triệu xe điện/năm, đủ cung ứng cho toàn thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư với quy mô lớn công nghệ hiện đại, sẽ càng gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi năng lực cạnh tranh yếu.
VAMOBA cho rằng, không chỉ cần những chính sách khuyến khích sử dụng xe máy điện, hạn chế xe máy xăng; các doanh nghiệp Việt rất cần hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu cứ để các doanh nghiệp nội địa “tự bơi” thì khó có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Khi đó, thị trường xe máy điện sẽ thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài, giống như xe máy xăng hiện nay, doanh nghiệp nội địa sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” ngay trên “sân nhà”. Cơ hội lớn sẽ mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp xe máy điện hiện nay là thiếu niềm tin, không biết đến bao giờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ mới ra đời, có hay không? Vì vậy, đầu tư không mang tính dài hạn, trong khi cơ hội cứ qua đi.
Mục tiêu thay thế xe máy xăng bằng xe máy điện, liệu có thành hiện thực? Doanh nghiệp Việt Nam có vươn lên làm chủ thị trường? Đến nay nhiều người không còn dám tin nữa.Bởi chưa có dấu hiệu mạnh mẽ từ chính sách vĩ mô và tầm vóc của các “tay chơi” nội địa quá nhỏ bé, yếu thế.