Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
>>Công nghiệp ô tô – Bài 2: Khát vọng không thành
>>Công nghiệp ô tô – Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển
>>Công nghiệp ô tô – Bài 4: Nỗi thất vọng công nghiệp hỗ trợ
Viết lại kịch bản ngành ô tô
Giữa năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan ngành giao thông”. Theo đó, từ năm 2025 các xe bus được thay thế, đầu tư mới sẽ chỉ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2030, có khoảng 50% xe bus và tất cả xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2040, hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đây là cơ sở để thúc đẩy xe điện phát triển.
Một khảo sát mới đây của Công ty Deliotte về sự chú ý của khách hàng đối với xe điện (BEV) cho thấy, nếu như năm 2021 chỉ có 3% số người Việt Nam được hỏi trả lời, có quan tâm đến xe điện thì đến năm 2023 con số này đã tăng vọt lên 19%.
Trong khi đó, BMI Research (đơn vị nghiên cứu của Công ty chuyên về xếp hạng tín dụng Fitch Solutions) vừa đưa ra dự báo: doanh số xe điện của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2022, đạt 18.000 chiếc. Kỳ vọng doanh số xe điện tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 25,8%/năm trong giai đoạn 2023 – 2032, với con số 65.000 chiếc mỗi năm, tăng so với mức 8.400 chiếc trong năm 2022. Còn Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng dự đoán số xe điện được sở hữu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu chiếc vào năm 2030 và tăng lên 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.
Việt Nam có dân số trẻ và rất nhiều người sử dụng Internet. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Đây là thị trường thực sự tiềm năng.
Giới chuyên môn nhận định, sự phát triển của xe điện chính là “cơ hội vàng” để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô. Bởi xu hướng chuyển sang ô tô điện là tất yếu. Khi đó, những quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ gặp phải thách thức. Nhiều linh kiện và cụm linh kiện cung cấp cho ô tô sử dụng xăng, dầu như động cơ, hộp số sẽ bị loại bỏ dần… dẫn đến phải giảm và ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới sản xuất và việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, Việt Nam không phải chịu những tác động này bởi ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển, chưa phụ thuộc nặng nề vào xe sử dụng động cơ đốt trong; do đó, có cơ hội phát triển ngay.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”
>>Công nghiệp ô tô – Bài 6: Câu chuyện Vinamotor
>>Công nghiệp ô tô – Bài 7: Làm ô tô thương hiệu Việt, doanh nghiệp quá đơn độc
Cơ hội trăm năm có bị bỏ lỡ?
Bộ Công Thương cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề, cùng luật giao thông bên phải là yếu tố quan trọng trong bố trí và chi phí sản xuất. Những yếu tố này đủ điều kiện biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” ô tô điện trong tương lai.
Tập đoàn Toyota nhận định, xe điện chính là sự thay đổi 100 năm mới có một lần. Đây là cơ hội lớn để các quốc gia nắm bắt và vươn lên. Khi ngành công nghiệp xe điện phát triển, đương nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích, từ tạo việc làm, nâng tầm công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp lớn vào GDP hàng năm và trở thành quốc gia có công nghệ cao…
Ô tô điện sẽ mở hướng cho sự phát triển 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Khi những công nghệ này phát triển sẽ làm thay đổi hoàn toàn các ngành sản xuất và dịch vụ, kể cả hành vi của người tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn đối với kinh tế – xã hội. Vì vậy, nhiều quốc gia đang nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Tuy nhiên, việc phát triển xe điện phụ thuộc rất lớn vào chính sách của mỗi nước. Đây là vấn đề cạnh tranh quốc gia. Theo ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cái khó nhất của ngành sản xuất xe điện hiện nay là cần chính sách hỗ trợ phù hợp. Quốc gia nào có chính sách tốt thì ngành công nghiệp xe điện sẽ phát triển và ngược lại.
Nếu các cơ quan quản lý vẫn ứng xử với công nghiệp xe điện giống như công nghiệp ô tô trước đây thì Việt Nam sẽ tiếp tục đánh mất cơ hội một lần nữa.
Tại Việt Nam, hiện đã có doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp xe điện với quy mô lớn. Cùng với đó là phát triển hạ tầng các trạm sạc, rồi đầu tư cả dự án hướng tới tương lai sản xuất pin thể rắn. Vậy nhưng chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp xe điện vẫn chưa có.
Muốn phát triển công nghiệp xe điện, không phải chỉ có mỗi ưu đãi thuế, phí là đủ, cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn xa, từ xây dựng hệ sinh thái, đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghệ, phát triển hạ tầng, phát triển thị trường, thu hồi sản phẩm…với các chính sách đồng bộ và khả thi.