Chiều 10/10/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo giới thiệu Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023 và kết quả của Việt Nam.
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ) tổ chức.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Thế Duy – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN.
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức WIPO; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các bộ, cơ quan, địa phương được giao chủ trì cải thiện chỉ số GII và đại diện một số Sở Khoa học và công nghệ địa phương.
PGS.TS Bùi Thế Duy – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay: “Như công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 02 bậc so với năm ngoái. Điều này cho thấy những nỗ lực phục hồi của Việt Nam sau đại dịch đã được ghi nhận và có kết quả nhất định. Việc cải thiện thứ hạng GII trong năm vừa qua cũng như từ năm 2017 đến nay, sau khi Chính phủ sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lí điều hành quan trọng là nhờ có những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần theo phân công của Chính phủ.
Trong nhóm 37 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2023, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong nhóm, sau Ấn Độ. Trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Chúng ta cũng được WIPO đánh giá là quốc gia luôn có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển.
Các quốc gia xếp trên Việt Nam thực tế phần lớn là các quốc gia có mức thu nhập cao, chỉ có 05 quốc gia có mức thu nhập trung bình cao cùng với duy nhất Ấn Độ nằm cùng trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, các quốc gia xếp trên Việt Nam đều có chi phí cho nghiên cứu và phát triển chiếm tỉ trọng cao trong GDP”.
“Để hiểu rõ hơn đánh giá quốc tế về các điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam trong GII 2023, hôm nay chúng ta may mắn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Tổ chức WIPO, có chuyên gia WIPO tham dự Hội thảo để làm rõ các vấn đề phương pháp luận cũng như phân tích kết quả của Việt Nam năm 2023, ý nghĩa và cùng thảo luận về các vấn đề đặt ra, các giải pháp nhằm thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam trong những năm tiếp theo, bao gồm các giải pháp nâng cao năng lực ĐMST nhằm phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KHCN&ĐMST ở cấp địa phương, qua đó góp phần nâng cao năng lực ĐMST quốc gia và chỉ số GII của Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo.
Trước đó, ngày 27/9/2023, tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (Global Innovation Index 2023 – GII 2023). Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra ĐMST tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (xếp hạng 12), Malaysia (xếp hạng 36), Bulgari (xếp hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 39) và Thái Lan (xếp hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Thông tin về xếp hạng Chỉ số GII năm 2023
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43).
Theo WIPO, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).
Đại biểu quốc tế tham dự hội thảo trực tuyến.
Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về startup như “Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân” (Việt Nam được xếp hạng 33).
Chi R&D của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.
Bên cạnh đó, một số chỉ số còn ở mức thấp. Nhóm chỉ số bền vững sinh thái dù tăng 3 bậc so với năm 2022 nhưng thứ hạng còn thấp, xếp hạng 110. Trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số Kết quả về môi trường xếp hạng 130, giảm 2 bậc so với năm 2022. Các vấn đề về Thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật sau khi cải thiện 10 bậc từ hạng 93 lên 83 vào năm 2022, năm 2023 giảm xuống vị trí 94.
GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực ĐMST quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...