Sáng 26/19, Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-17 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc nước này.
Cụ thể, vào lúc 11h14 ngày 26/10, tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-17 của Trung Quốc đã được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F Y17 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, đưa ba phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung, thực hiện sứ mệnh kéo dài 6 tháng tại đây.
Với độ tuổi trung bình là 39, đây là phi hành đoàn trẻ nhất trong các sứ mệnh trạm vũ trụ của Trung Quốc cho đến nay. Trong đó, chỉ huy Thang Hồng Ba là người đầu tiên quay trở lại trạm vũ trụ với khoảng thời gian ngắn nhất giữa các nhiệm vụ bay vào không gian của các phi hành đoàn.
Theo kế hoạch do Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) thông báo trong ngày 25/10, tàu Thần Châu-17 dự kiến sẽ cập bến module lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ khoảng 6,5 giờ sau khi cất cánh. Ông Lâm Tây Cường, người phát ngôn của CMSA, cho biết phi hành đoàn Thần Châu-17 dự kiến sẽ ở lại và hoạt động trong không gian đến khoảng tháng 4/2024.
Phi hành đoàn trên sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như thí nghiệm thực tế trên quỹ đạo về khoa học vũ trụ và tải trọng ứng dụng, lắp đặt tải trọng ngoài tàu, bảo trì và sửa chữa trạm vũ trụ, đánh giá hiệu suất chức năng quá trình lắp ráp và tích lũy lợi ích của trạm vũ trụ. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, phi hành đoàn Thần Châu-17 dự kiến sẽ quay trở về Trái đất vào tháng 4/2024.
Theo Giám đốc Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, trong tương lai, Trung Quốc sẽ phóng tàu chở hàng Thiên Châu-7 nhằm cung cấp vật tư cho phi hành đoàn Thần Châu-17 và 18. Ngoài ra, nước này cũng có kế hoạch phóng thêm mô-đun để đưa cấu hình cơ bản của trạm vũ trụ từ hình chữ “T” hiện nay sang hình chữ “chữ Thập”.
Được biết, Thần Châu-17 là chuyến bay thứ 6 có phi hành đoàn đến trạm vũ trụ Thiên Cung và là sứ mệnh thứ 2 kể từ khi trạm này bước vào giai đoạn phát triển và ứng dụng vào cuối năm 2022. Mục tiêu của sứ mệnh này là hoàn thành việc luân chuyển với phi hành đoàn Thần Châu-16 và lưu trú trên quỹ đạo khoảng 6 tháng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...