Nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời… Đây là hành vi phạm pháp, có thể bị xử lý hình sự.
Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích, giúp con người có thể giao tiếp, kết nối với nhau nhiều hơn. Nhưng mạng xã hội cũng cũng có thể gây ra rất nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người dùng.
Rất đáng lo ngại khi thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, muốn tự tử thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời.
Hội những người tìm cách tự tử không đau, Hội tâm sự của những người muốn tự tử hay Hội những người bị rối loạn, trầm cảm, lo âu… thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia.
Một thanh niên buồn chán vì tốt nghiệp đại học, ra trường đã lâu mà không kiếm được việc làm, anh lên mạng tìm kiếm những người có cùng tâm trạng để trút bầu tâm sự.
Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung dễ thấy là thay vì động viên, giúp đỡ nhau vực dậy tinh thần, thoát khỏi khó khăn, rất nhiều thành viên tham gia dưới dạng tài khoản ẩn danh lại chỉ đề cập đến các vấn đề tiêu cực, thậm chí là rủ rê, xúi giục nhau tìm cách tự tử. Rất nguy hiểm khi không ít thành viên còn sẵn sàng công khai chia sẻ những thiết bị như chất độc, súng, đạn, dây thừng… để tự sát.
Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – Nhà nghiên cứu tâm lý, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này chính là sự yếu đuối từ bên trong của mỗi con người. Do không chịu đựng nổi áp lực của cuộc sống, những người chưa được rèn luyện về mặt nghị lực lên mạng than thở sẽ gặp được những người cùng cảnh ngộ, tương tác với nhau và họ đều nhìn thấy sự bế tắc. Theo quy luật lây lan của tâm lý đám đông, sự bi quan, tiêu cực của người này rất dễ lây lan sang người khác, hình thành 1 cộng đồng có cái nhìn đen tối về cuộc sống.
Mạng xã hội là ảo nhưng hệ lụy lại là thật. Theo Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ. Trầm cảm cũng chính là nguyên nhân gây ra hội chứng tự hại, tự ngược đãi bản thân để trốn tránh hoặc giải tỏa cảm xúc đang âm thầm lây lan trong giới trẻ.
Những ca trực của bác sĩ Nguyễn Văn Phi tại Bệnh viện Lão khoa và Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội ngày nào cũng có bệnh nhân tự hại, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân phải mất vài năm mới tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia khi mà vấn đề trở nên trầm trọng khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Vậy mục đích lập ra những hội nhóm này là gì? Chuyên gia tâm lý này cảnh báo, mỗi người cần cân nhắc kỹ khi tham gia hội nhóm. Bởi đằng sau mục đích muốn tìm kiếm những người cùng chia sẻ, rất có thể những người lập ra những hội nhóm này còn có động cơ trục lợi.
Mỗi người dân khi gặp phải những vấn đề về tâm lý cần tìm đến các chuyên gia, các bác sĩ có chuyên môn để điều trị. Đối với nhà trường, cần chú trọng việc giảng dạy kỹ năng sống, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh, giúp các em “nói không” với những nội dung xấu độc trên các trang mạng xã hội.
Hành vi xúi giục tự sát có thể bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BCVT tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10-20 triệu đồng. Và đương nhiên, hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp, những hành vi kích động dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần để người khác tự sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử phạt từ 2-7 năm tù.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...