Mỹ thiếu nghiêm trọng nhân lực ngành bán dẫn

14:12 - 25/10/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố danh sách 31 trung tâm công nghệ mới trên khắp nước Mỹ nhằm biến các trung tâm này thành trung tâm đổi mới cạnh tranh toàn cầu.

Việc thúc đẩy phát triển các trung tâm nêu trên đã chứng tỏ Mỹ đang trải qua thời kỳ bùng nổ các hoạt động sản xuất công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn sau khi Đạo luật Chips và Khoa học được thông qua.

Các công ty đã đầu tư 210 tỷ USD vào hơn 50 dự án bán dẫn mới tính đến cuối năm ngoái. Mỹ cũng là quê hương của 7 trong số 10 công ty bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường, bao gồm cả công ty hàng đầu là Nvidia. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tiến trình này có thể bị cản trở do tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng trong ngành.

Theo báo cáo của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn và Oxford Economics, sẽ có 85.000 việc làm kỹ thuật mới trong ngành bán dẫn vào năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo này cũng ước tính gần 80% số việc làm đó có thể không được lấp đầy. 1/3 lực lượng lao động trong ngành bán dẫn là người sinh ra ở nước ngoài – có nghĩa là các rào cản nhập cư đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động.

Một phân tích cho thấy, khoảng 5.000 sinh viên quốc tế tại Mỹ sẽ tốt nghiệp trong năm học tới với bằng cấp cao trong các lĩnh vực kỹ thuật và khoa học máy tính liên quan đến chất bán dẫn, ít nhất 4.000 sinh viên trong số đó đã bày tỏ mong muốn ở lại Mỹ. Nhưng luật nhập cư hiện hành khiến họ khó ở lại định cư.

Mỹ thiếu nghiêm trọng nhân lực ngành bán dẫn
 

Ông Todd Schulte – Chủ tịch tổ chức vận động cải cách tư pháp hình sự và nhập cư FWD.us: “Thật quá khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai nếu không cải cách luật nhập cư. Nếu bạn cần xây dựng những nhà máy bán dẫn này thì phải sở hữu một lượng nhân công nhất định. Lực lượng lao động cần thiết đó có thể ở Mỹ, hoặc ở những nơi khác trên thế giới, điều đó có nghĩa là cần có một hệ thống nhập cư cho phép nước Mỹ đáp ứng các nhu cầu kinh tế ở giữa thế kỷ 21”.

Công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) vốn dự kiến mở nhà máy đầu tiên ở bang Arizona (Mỹ) vào năm 2024, mới đây đã thông báo rằng “gã khổng lồ” ngành bán dẫn sẽ bị trì hoãn thêm một năm nữa kế hoạch này do thiếu nhân công chuyên môn.

Theo các chuyên gia, việc đại tu hệ thống nhập cư của Mỹ sẽ không chỉ giúp ích cho ngành công nghiệp bán dẫn, mà các nghiên cứu còn cho thấy nó cũng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Vì sao Mỹ thiếu lao động ngành bán dẫn?

Mỹ là một trong các quốc gia đi đầu về công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn. Chính vì vậy mà việc thiếu nhân lực cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Một nguyên nhân được nhiều nghiên cứu chỉ ra là do ngành này đòi hỏi kỹ sư, lao động trình độ cao, chuyên sâu, trong khi việc đào tạo chuyên ngành kỹ sư điện ở Mỹ lại tốn kém, học khó mà khô cứng nên học sinh người Mỹ không hứng thú. Chuyện này cũng một phần bởi có giai đoạn người ta chạy theo mở rộng thị trường và nhân công giá rẻ bên ngoài hơn là đầu tư cho lao động nội địa.

Mỹ thiếu nghiêm trọng nhân lực ngành bán dẫn
 

Mỹ từng sản xuất tới 40% lượng chip trên toàn thế giới vào những năm 90, nhưng nay chỉ còn 12%. Vì thế, Mỹ hiện có hơn 680 nghìn lao động trong ngành bán dẫn, nhưng hơn 1/3 lại là lao động nhập cư. Mỹ hiện có đến 5 trong 10 trường đại học hàng đầu thế giới về kỹ sư và công nghệ, sinh viên quốc tế theo học ngành này ở Mỹ rất nhiều, chiếm tới 60% số cử nhân bậc đại học, nhưng lại bị giới hạn thị thực nên rất ít có thể ở lại làm việc. Thế nên lao động ngành bán dẫn ở Mỹ thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu.

Giải pháp ứng phó tình trạng thiếu nhân lực

Với thực tế trên thì nhiều hiệp hội, tập đoàn, tổ chức nghiên cứu kêu gọi chính quyền Mỹ nới lỏng chính sách thị thực để thu hút số du học sinh quốc tế có trình độ ở lại làm việc. Nhưng có vẻ chính quyền Tổng thống Biden không mặn mà với ý tưởng này. Mỹ không chỉ muốn thu hút đầu tư ngắn hạn vào sản xuất bán dẫn, mà còn phải phát triển bền vững nguồn nhân lực nội địa để tái thống lĩnh ngành công nghiệp mũi nhọn này trong giai đoạn tới.

Chính vì vậy, trong gói hơn 52 tỷ USD đầu tư cho phát triển sản xuất bán dẫn nội địa, Mỹ dành 39 tỷ để khuyến khích các ông lớn như Intel, Samsung, TSMC, Texas Instruments mở rộng sản xuất. Còn hơn 13 tỷ để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực. Với ngân sách này, mới đây chính quyền Tổng thống Biden đã hỗ trợ cấp vốn đối ứng cho 31 trung tâm công nghệ trên khắp nước Mỹ để thúc đẩy phát triển nhân lực, năng lực sản xuất, nghiên cứu và thương mại.

Theo các chuyên gia nhận định, nhân sự chính là một trong các thách thức lớn nhất trong tham vọng tự chủ công nghệ bán dẫn của mỗi quốc gia. Bởi đây là ngành yêu cầu độ phức tạp cao cùng năng lực kỹ thuật, công nghệ để giải quyết các vấn đề mới. Bài học từ Mỹ cũng sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích đối với Việt Nam trong nỗ lực đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, tiến tới trở thành một trong các trung tâm bán dẫn tại khu vực.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Anh hùng phản hắc - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...