Tình trạng lừa đảo qua mạng ở Nhật Bản đã tăng đột biến trong năm qua, những kẻ lừa đảo đã trục lợi lên tới hàng chục tỷ Yen từ những nạn nhân cả tin.
Rất nhiều trong số các nạn nhân của vấn nạn lừa đảo qua mạng ở Nhật Bản là những người lớn tuổi sống đơn độc.
Sư thầy Eiichi Shinohara năm nay 78 tuổi. Cả cuộc đời ông đã dành ra cho các hoạt động xã hội, trong đó có cả việc tư vấn tâm lý cho những người đang rơi vào cảnh tuyệt vọng. Rất nhiều trong số đó là bị lừa đảo online. Vào độ tuổi xế chiều, các nạn nhân này hầu hết đều là những con mồi đầu tiên mà các tổ chức lừa đảo nhắm tới.
Nhà sư Eiichi Shinohara nói: “Ở xã hội Nhật Bản, những người cao tuổi thường sống biệt lập và xa cách con cháu do khó hòa nhập với lối sống hiện đại. Đây là lý do mà những kẻ lừa đảo hay nhằm vào họ”.
Một trong các mánh lới phổ biến là có kẻ giả mạo cảnh sát, liên lạc với nạn nhân qua điện thoại, sau đó chúng lừa đảo tiền của những người có tài sản và lớn tuổi. Vậy ai đứng sau các trò lừa đảo này? Theo AFP, các công việc lừa đảo này thường xuyên được quảng cáo trên các tạp chí, hay dán trong nhà vệ sinh công cộng. Đứng sau chúng là các tổ chức xã hội đen. Trên những nền tảng mạng xã hội kín như Telegram và Signal, các tổ chức tội phạm dễ dàng ngồi một chỗ và điều khiển được một nhóm người mà chúng đã tuyển mộ.
Năm 2022, số tiền mà các tổ chức tội phạm này lừa đảo được lên tới 37 tỷ Yen, tương đương 250 triệu USD. Một người đã từng làm việc cho các tổ chức lừa đảo này tiết lộ, anh ta được thuê giả mạo làm nhân viên ngân hàng, đến gõ cửa các nhà có người già sống một mình và yêu cầu họ đưa thẻ ngân hàng. Bọn tội phạm đã trả anh ta tới 10 triệu Yen chỉ trong vài tháng làm việc này. Cảnh sát Nhật Bản đang tích cực truy vết các tổ chức tội phạm này, tuy nhiên vẫn khuyến cáo các gia đình có người già nên lưu tâm tới người nhà mình để tránh các trường hợp bị lừa đảo.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...