Ngành công nghiệp bán dẫn đang được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho một số doanh nghiệp Việt Nam bước chân vào một “sân chơi” nền tảng, hiện đại bậc nhất trong quá trình chuyển đổi số.
Thập niên những năm 2000, bán dẫn là ngành công nghệ cao mới nổi tại Việt Nam, bắt đầu ghi nhận sự có mặt lần lượt của một số “ông lớn” công nghệ như Intel, Samsung… Tiếp đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nối gót sang Việt Nam mở văn phòng, phối hợp với các trường để đào tạo nhân sự. Trung tâm nghiên cứu Thiết kế Vi mạch (microchip - chip bán dẫn chứa mạch điện tử) đầu tiên cũng được thành lập tại Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2005.
Hai thập kỷ làm quen với công nghiệp bán dẫnBán dẫn, tấm silicon siêu nhỏ nhưng lại giống như những “công tắc” bật tắt dòng điện của mọi thiết bị điện tử, từ nhỏ như điện thoại, máy tính đến tủ lạnh, ô tô... Nó được xem là linh kiện quan trọng bậc nhất trong tất cả sản phẩm. Công nghiệp bán dẫn trở thành “xương sống” cho sự phát triển của kỷ nguyên công nghệ, cốt lõi của quá trình hoàn thiện chuyển đổi số.
Sau gần 20 năm, Việt Nam đang chuẩn bị cho làn sóng đầu tư bán dẫn mới khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ - quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chip “Made in Vietnam” chiếm hơn 10% sản lượng nhập khẩu vào Mỹ trong 12 tháng, tính đến tháng 2/2023. Doanh thu tháng này tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 562 triệu USD. Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan về thị phần xuất khẩu chip vào Mỹ.
Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu này đa phần đến từ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Tập đoàn Intel với dự án 1 tỷ USD ở Khu công nghệ cao TP.HCM từ năm 2006. Tính riêng năm 2021, nhà máy của Intel đã sản xuất và phân phối 3 tỷ sản phẩm bán dẫn ra toàn thế giới, đóng góp đáng kể vào doanh thu xuất khẩu của TP.HCM.
Tiếp đó là các tập đoàn đa quốc gia khác đến từ Mỹ, Hàn Quốc… Trong đó có “ông lớn” công nghệ Samsung, có mặt gần hai thập kỷ ở Việt Nam, cũng bắt đầu đưa các công nghệ đóng gói chip vào danh mục hoạt động của mình ở đây.
Một số doanh nghiệp FDI khác tuy mang đến vốn đầu tư ít hơn nhưng tập trung vào phân khúc “trí tuệ” là thiết kế vi mạch và đã có một số hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), kết nối với các viện nghiên cứu, đại học trong nước để bước đầu đào tạo nhân lực. Có khoảng 40 doanh nghiệp như vậy, bao gồm các tên tuổi như Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, Hayward Quartz Technology, Synopsys…
Những tín hiệu này phát ra một thông điệp rõ ràng: Việt Nam đang dần được đánh giá tích cực hơn dưới tư cách là một trong những lựa chọn cho việc phát triển chuỗi giá trị của các ngành công nghệ cao như bán dẫn. Theo báo cáo của Technavio, ngành bán dẫn Việt Nam ước tính sẽ đạt 6,16 tỷ USD vào năm 2024.
Ngách hẹp cần tận dụng nhưng phải tự cườngGiới chuyên gia đánh giá, tiềm năng phát triển giá trị các ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn, vi mạch tại Việt Nam là thực tế triển vọng, tuy nhiên không thể phụ thuộc hay quá mong chờ vào doanh nghiệp FDI.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp FDI nhắm đến Việt Nam vì lợi ích của họ. Để phát triển một ngành công nghiệp bán dẫn bền vững và lâu dài, Việt Nam phải tìm cách phát triển cả những công ty nội địa.
“Nhìn sâu vào bức tranh hiện nay của các doanh nghiệp FDI, họ đang triển khai tại Việt Nam hai khâu “nhẹ nhàng” hơn trong chuỗi giá trị bán dẫn là đóng gói và thiết kế, không phải sản xuất chip. Phần thiết kế gần như có thể thực hiện được hoàn toàn bằng kỹ thuật số, miễn là có một đội ngũ có nhân sự tốt. Các hãng chuyên thiết kế và thuê ngoài sản xuất, danh tiếng nước ngoài có thể vào rất nhanh nhưng cũng có thể rút đi rất nhanh vì không phải đầu tư quá nhiều ngoài máy tính và phần mềm”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh phân tích.
“Chúng ta không nên quá mong chờ vào FDI. Tất nhiên, họ vào sẽ nâng cao năng lực của con người mình, đầu tư của họ cũng tiêu tốn tiền, nhưng để chuyển giao công nghệ thì rất khó có được. Các doanh nghiệp nội phải cố gắng tự đi trên đôi chân của mình. Chỉ có thế mới tự chủ, tự cường lâu dài”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh bày tỏ.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, các công ty Việt Nam rất khó chen chân vào trở thành nhà cung ứng cho các nhà máy sản xuất, đóng gói của doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp quốc tế, tập đoàn đa quốc gia này có nhiều đòi hỏi và gần như sẽ đưa các đối tác cung ứng sẵn có của họ từ nước ngoài sang.
Theo GS.TS Trần Xuân Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Malaysia.
“Malaysia có một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn hoàn chỉnh với các doanh nghiệp nội địa đảm nhận được tất cả các khâu từ thiết kế, chế tạo đến lắp ráp, kiểm định chip. Trong khi Việt Nam, các tập đoàn như Intel, Samsung dù đã có mặt gần hai thập kỷ cũng tiết lộ rằng chưa có doanh nghiệp nội nào cung cấp được nguyên vật liệu trực tiếp cho công đoạn lắp ráp, đóng gói chip”, GS.TS Trần Xuân Hoài nêu thực tế.
“Rõ ràng, nếu muốn tạo được mối liên hệ cộng sinh với các công ty bán dẫn hàng đầu, các doanh nghiệp Việt Nam nên quên những công việc năng suất thấp như cung cấp nguyên vật liệu và tập trung vào những công việc chất xám có trình độ công nghệ cao. Nó có thể rơi vào những phân khúc rất hẹp”, GS. Trần Xuân Hoài phân tích.
GS Trần Xuân Hoài cũng cho biết, ở Mỹ, những công ty phụ trợ như thế rất phổ biến trong ngành với nhân lực 10-15 người. Theo GS Trần Xuân Hoài một vài nhóm ở Việt Nam có thể làm được. Và nếu làm tốt, họ có thể khai thác vô số đơn hàng từ những doanh nghiệp FDI hoặc được mua lại.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, đồng thời là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn cũng cho rằng Việt Nam có thể đi theo hướng làm chip chuyên biệt, thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp, tiên tiến nhất của thế giới.
Theo chiến lược ngành bán dẫn, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển song hành, vừa thu hút doanh nghiệp FDI, vừa nâng cao năng lực trong nước.
“Chúng ta chưa nhất thiết phải có sản phẩm ngay, mà có thể đồng hành, tham gia hệ sinh thái của các công ty lớn, đồng thời tập trung vào phân khúc tầm thấp và tầm trung, nơi chúng ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất về giá”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Sau hai thập kỷ, Việt Nam một lần nữa đứng trước cơ hội bứt tốc trong cuộc đua. Trong các chuyến thăm ngoại giao năm 2023, Mỹ, Nhật Bản đều đặt vấn đề hợp tác, hỗ trợ Việt Nam sản xuất chip bán dẫn. Chỉ trong nửa đầu tháng 12/2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ John Neffeur, sau đó là CEO Jensen Huang của Nvidia - doanh nghiệp chip có vốn hoá lớn nhất toàn cầu, lần lượt đến Hà Nội với chung nhận định đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...