Chia sẻ về điều tạo nên nét riêng cho bộ phim tài liệu Đường về, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã nhắc tới hai từ "tính đời".
Tác phẩm lên sóng VTV Đặc biệt tháng 7 là bộ phim tài liệu mang tên Đường về do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp làm phim thuộc Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự thực hiện. Bộ phim là hành trình đi tìm hài cốt người con trai liệt sĩ đầy xót xa của 2 bà mẹ cùng quê Ninh Bình với một câu chuyện éo le, hy hữu.
Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ của anh tại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa.
Mẹ Lưu Thị Hinh
Mẹ Hà Thị Xuân
Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê ở Ninh Bình chuyển về xây cất tại địa phương. Câu chuyện éo le hy hữu này đã dẫn ê-kíp đến với bước ngoặt trong việc triển khai đề tài.
Phần hài cốt trong mộ thực sự là ai? Là liệt sĩ Đinh Duy Tuân - con mẹ Hinh hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân - con trai mẹ Xuân? Làm thế nào để giải quyết tình huống này? Hai bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót, đó là khai quật mộ để xét nghiệm ADN.
Theo thống kê, hiện nay có tới hơn 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và còn tới hơn 300 nghìn mộ liệt sĩ còn khuyết thông tin. Khuyết thông tin ở đây có 2 dạng, một là không có hoàn toàn thông tin tên tuổi, nguyên quán hay ngày hy sinh, tên đơn vị; hai là chỉ có một trong số những thông tin nói trên.
Hai gia đình gặp mặt và bàn bạc để giải quyết việc nhầm lẫn mộ phần.
Đối với dạng khuyết thông tin thứ 2, hiện có 2 phương pháp được sử dụng để xác định chính xác phần mộ liệt sĩ. Thứ nhất là thực chứng (đối soát tất cả các thông tin trên hồ sơ giấy tờ), thứ 2 là xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều tiềm ẩn những rủi ro và những khó khăn. Công tác xác định hài cốt, bước cuối cùng nhưng lại là khó nhất, gian nan nhất và nhiều éo le nhất.
Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, đề tài xác dịnh danh tính anh hùng liệt sĩ đã từng được khai thác trong nhiều tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, với bộ phim Đường về, anh và ê-kíp không áp lực để đi tìm yếu tố mới cho bộ phim mà điều anh kiếm tìm là "nét riêng" của tác phẩm.
"Vì mỗi câu chuyện về một liệt sĩ hay chặng đường tìm kiếm của thân nhân liệt sĩ đã là một câu chuyện riêng, không giống bất kỳ câu chuyện nào. Bởi tính đời" - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tâm sự - "Trong câu chuyện mà tôi đề cập ở bộ phim, tính đời được thể hiện rất rõ qua những cuộc đối thoại bàn bạc, ý kiến khác nhau xung quanh việc tìm kiếm xác định hài cốt liệt sĩ; ở đó hiện diện đầy đủ cung bậc cảm xúc lo lắng – giằn vặt – vô định – đau xót – nhân văn".
"Ai cũng mong tìm được liệt sĩ của gia đình mình, mong được đưa về quê hương, được mồ yên mả đẹp. Đó là cái riêng. Nhưng khi điều kiện không thể thì mỗi gia đình lại biết nghĩ cho nhau, biết sống vì nhau, biết hy sinh cái riêng vì cái chung".
"Không phải con nhà bà, thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả - đó là thông điệp được gửi đến những gia đình chưa thể đón liệt sỹ trở về của hai mẹ liệt sỹ đã ngoài 80", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói.
Nguồn : vtv.vn
Đang gửi...