Hầu hết người Việt đều biết câu chuyện lịch sử Quốc công Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt với bài "thơ thần" nổi tiếng: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Khi lên sân khấu, vở diễn có thêm những chi tiết hấp dẫn khác. Trong đó, tác giả xoáy vào câu chuyện phản gián của hoàng tử Chiêu Văn, khiến khán giả bị cuốn đi suốt hơn 2 tiếng đồng hồ không giải lao. Hóa ra, vai chính không phải là Lý Thường Kiệt do NSƯT Chí Linh thủ vai, mà lại là nhân vật Chiêu Văn do NSƯT Võ Minh Lâm đảm nhiệm. Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân đánh Tống một cách tài tình, nhưng bên cạnh đó ông có một lực lượng tướng sĩ đoàn kết chặt chẽ, vào sinh ra tử cùng nhau, tài và tâm đều sáng.
Bối cảnh câu chuyện là cuộc chiến chuyển qua giai đoạn 2 khi quân Đại Việt vừa chiến thắng quân Tống thì phải rút về cố thủ vì quân Tống phản công bằng lực lượng áp đảo, trong đó Nguyên soái Quách Quỳ (Lâm Minh Nghiêm đóng) là người cực giỏi mà Lý Thường Kiệt không thể coi thường. Ông ra lệnh án binh bất động tại phòng tuyến Như Nguyệt, và tương kế tựu kế để tiêu diệt quân địch, trong đó hoàng tử Chiêu Văn đóng vai trò quan trọng. Vở diễn đã khắc họa một hoàng tử trung thành với đất nước hơn là nghĩ đến quyền lợi riêng tư của bản thân, của dòng họ. Ngoài ra, còn có những hoàng tử, phò mã, hoàng thất cùng gươm giáo xông pha, và những chiến binh khác kể cả phụ nữ, thao lược binh quyền, quyết hy sinh vì Tổ quốc.
Vở diễn làm nên hào khí Đại Việt rất đáng tự hào, không chỉ ca ngợi cá nhân Lý Thường Kiệt mà còn khắc họa công lao của biết bao người xung quanh đã ngã xuống cho đất nước sinh tồn. Đan xen trong những lớp diễn hùng tráng, vẫn có những lớp trữ tình, ngọt ngào, có tình yêu, tình huynh đệ, đôi chỗ làm người xem chảy nước mắt.
Điểm thú vị và xúc động nhất chính là chất thuần Việt trong vở cải lương. Âm nhạc hoàn toàn dùng những bài bản trong kho tàng cổ nhạc VN, với rất nhiều làn điệu phong phú phù hợp cho mọi tình huống, tâm tư, tính cách, không cần viện tới làn điệu ngoại lai nào. Thú vị nữa, dù bài bản quen thuộc nhưng đạo diễn và nghệ sĩ biết cách chuyển hóa, cách điệu, biến tấu, khiến người nghe cảm thấy "lạ", "mới". Đặc biệt, bài dân ca Bắc bộ Bèo dạt mây trôi được đem vào vở tuồng rất khéo. Trang phục cũng thuần Việt, không quá lộng lẫy, rồng phượng, kim sa đá màu… mà vẫn đẹp. Dàn kép của vở như Võ Minh Lâm, Lâm Minh Nghiêm, Hoàng Hải đều có ngoại hình đẹp, mặc đồ võ tướng khiến khán giả xuýt xoa; lại ca hay, diễn giỏi, làm tăng chất lượng vở cải lương.
Sấm vang dòng Như Nguyệt chứng minh rằng hiện tại hoàn toàn có thể làm cải lương thuần Việt hấp dẫn. Vở diễn xứng đáng giới thiệu rộng rãi đến lớp trẻ, học sinh, sinh viên, để các em được "học sử" một cách đầy ấn tượng.