Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Hồ Hải – Phó bí thư Thường trực TP.HCM cho rằng: "Dù trình độ thẩm định về hội họa không nhiều lắm nhưng ngắm nhìn các tác phẩm của những nhà báo tại triển lãm, tôi thực sự ấn tượng. Cách thể hiện phong phú cùng nhiều đề tài phản ánh hứa hẹn triển lãm của các họa sĩ Nhóm 99 sẽ thu hút được nhiều công chúng đến thưởng lãm".
Vừa mang tính thế sự, vừa thể hiện phong phú các đề tài, thể loại
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm của 8 tác giả là những người làm báo và là họa sĩ: Ngô Thành Nhân, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Tiến Lễ, Vũ Kim Sơn, Đỗ Hương, Nguyễn Hồng Nga, Huỳnh Dũng Nhân, Tiểu Tân. Trừ những họa sĩ chuyên nghiệp,một số tác giả đến với hội họa khá muộn. Có nhà báo chỉ mới sáng tác 2, 3 năm trở lại đây - khi đã nghỉ hưu. Là những người gắn bó với báo chí. Tranh của các tác giả không chỉ mang tính thế sự mà còn thể hiện các đề tài chân dung, phong cảnh, tĩnh vật...
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ từng công tác tại Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam từ năm 1977 đến năm 2016, qua nhiều cương vị. Anh tự học vẽ từ năm 2017, đã tham gia 3 triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. 20 bức tranh anh mang đến triển lãm là phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật với các chất liệu acrylic, màu nước trên giấy dó.
Còn NSNA Nguyễn Hồng Nga thì yêu thích hội họa từ nhỏ, bắt đầu vẽ năm từ năm 2000, đã tham gia triển lãm nhiều lần với nhóm Hương Cỏ, Những nhà nhiếp ảnh vẽ tranh, Giấc mơ màu... tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Bên cạnh công việc của một Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - luôn đi khắp mọi miền sáng tác ảnh, hướng dẫn học viên chụp ảnh, chị vẫn dành thời gian để vẽ tranh. "Tôi yêu thích màu sắc và mê vẽ", chị tâm sự và cho biết tại triển lãm này đã mang đến 7 bức tranh tĩnh vật, phụ nữ, phong cảnh. Tranh của Hồng Nga mềm mại, sinh động như thiếu nữ múa trong sắc màu dù là vẽ hoa hay phong cảnh. Hồng Nga đã có nhiều triển lãm trong nước và được yêu quý bởi sự thân thiện, tích cực không chỉ ngoài đời mà cả trên các tác phẩm của chị, từ ảnh đến tranh.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây viết phóng sự tên tuổi trong làng báo, nguyên ủy viên Ban chấp hành, Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước.
Hơn 40 năm làm báo cho đến ngày về hưu và phục hồi sau một lần bị bệnh tai biến, ông mới cầm bút vẽ trở lại như để hồi sinh năng lượng. Những bức chân dung ra đời ngay trên giường bệnh. Ông vẽ liên tục từng ngày, từng giờ không ngừng nghỉ như để chạy đua với thời gian. Sau 3 năm vừa dưỡng bệnh vừa vẽ, Huỳnh Dũng Nhân đã vẽ hơn 3.000 bức tranh, chủ yếu là chân dung bạn bè, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ông từng tổ chức 3 triển lãm tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội).
Riêng Tiểu Tân là họa sĩ trẻ nhất nhóm tác giả, đang công tác tại Ban Văn hóa văn nghệ Báo Sài Gòn Giải Phóng. Từ năm 2021 đến nay, Tiếu Tân tham gia 9 triển lãm do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, 1 triển lãm tranh màu nước quốc tế Mùa thu 2021 do Hiệp hội Màu nước quốc tế, CLB Màu nước Sài Gòn tổ chức tại TP.HCM. Đặc biệt, 2 năm liên tiếp, tranh của Tiểu Tân được Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật TP.HCM chọn vào triển lãm thành quả Trại sáng tác và sáng tác mới (2023, 2024) tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Tại triển lãm này, Tiểu Tân giới thiệu 20 tác phẩm, cả tranh lụa và màu nước, chủ đề phong cảnh, tĩnh vật, chân dung... Tiểu Tân cho biết thêm, sau chuyến công tác ở Trường Sa về, chị đang thực hiện bộ tranh Thao thức Trường Sa, sẽ được tổ chức tại Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ở triển lãm tranh lần này, bộ tranh chân dung Người tôi yêu mến của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được xem là một điểm nhấn đặc biệt. Đó là chân dung các nhà báo nhiều thế hệ, văn nghệ sĩ - những người gắn bó thân thiết hoặc để lại ấn tượng sâu sắc với nhà báo, được ông vẽ như là đang trò chuyện với các nhân vật, gây ấn tượng mạnh đến người xem.