Chị Hoàng Quyên đã đi chuyến tàu di sản nối ga Hà Nội - nhà máy xe lửa Gia Lâm trong Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội tới 3 lần liền, mỗi lần lại cùng một nhóm bạn khác nhau. Tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, chị cùng bạn bè được khám phá những nhà xưởng với một sắc vóc mới. Trong đó, một gian nhà xưởng được giăng đầy những tác phẩm mỹ thuật trên tơ, lụa. Một góc xưởng khác lại là rất nhiều thiết kế mây tre đan của làng nghề, tất nhiên chúng được làm ra với vẻ hiện đại để có thể thích ứng với thị trường hiện nay…
"Tôi cảm nhận được không khí xưa cũ của nhà xưởng, của đoàn tàu. Không gian này thật hấp dẫn vì có cả cái mới lẫn hương xưa", chị Quyên nói.
"Hương xưa" ấy nói cho cùng chính là không gian văn hóa di sản được tái tạo lại, được giới thiệu với công chúng. Cũng với âm hưởng hương xưa này, đoàn tàu du lịch kết nối di sản Huế và Đà Nẵng đã khai trương đúng dịp kỷ niệm giải phóng cố đô Huế 26.3. Công chúng bắt đầu hành trình từ ga Huế được xây dựng từ năm 1908, dù đã 116 tuổi vẫn giữ được kiến trúc cổ. Trên tàu, có những nghệ sĩ mặc trang phục truyền thống biểu diễn âm nhạc Huế, cũng có bàn giới thiệu ẩm thực Huế.
Một đoàn tàu "hương xưa" nữa cũng được nhiều khách du lịch nhắc tới là chuyến tàu di sản ở Đà Lạt. Tàu chạy "Hành trình đêm Đà Lạt" nối từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (P.1, TP.Đà Lạt) và ngược lại trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Hành trình này có điểm nhấn là đoàn tàu cổ, nhìn ra từ cửa sổ có thể ngắm thành phố về đêm lung linh, đồi núi và những rặng thông, rất nhiều dãy nhà kính canh tác hoa. Thêm vào đó, hành trình còn có câu chuyện qua phim tài liệu về lịch sử ga Đà Lạt, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1928. Di tích lịch sử quốc gia này được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Lang Biang huyền thoại và mái nhà rông Tây nguyên truyền thống.
Cơ hội để trở thành "độc nhất vô nhị"
PGS-TS Khuất Tân Hưng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết ông rất có thiện cảm với các chuyến tàu di sản. Chúng không chỉ kết nối các điểm đến giàu tính lịch sử, mang câu chuyện văn hóa mà còn là trải nghiệm di sản thú vị. "Tôi rất thích có những chuyến tàu di sản như thế ở VN. Các chuyến tàu thành công sẽ có hai điều: là hành trình trải nghiệm thú vị và điểm đến cùng nhiều trải nghiệm văn hóa", PGS-TS Khuất Tân Hưng nói.
Từ điểm nhìn này, ông Hưng có chút tiếc nuối khi "Hành trình đêm Đà Lạt" đã mất đi cơ hội để trở thành độc đáo trên thế giới. "Ở Đà Lạt, khu vực đường tàu bánh răng đã mất. Thời điểm Đà Lạt vẫn còn đường tàu ấy, thì trên thế giới chỉ có mỗi Đà Lạt và Thụy Sĩ có thôi. Nhưng Thụy Sĩ đã mua các đoàn tàu về, dựng lại trên núi của mình. Họ lấy tàu mua ở Đà Lạt về để mở thêm tuyến du lịch. Hiện duy nhất Thụy Sĩ có điều đó thôi", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho rằng, tuyến tàu ở Đà Lạt này cũng nên có nhiều trải nghiệm hơn nữa ở điểm đến Trại Mát.
Với chuyến tàu từ Huế tới Đà Nẵng, ông Hưng đánh giá cao việc đi qua đèo Hải Vân. Ông đánh giá đây là một chuyến tàu di sản có hành trình thú vị. Các giá trị di sản khác trên chuyến tàu, theo ông Hưng nên bổ sung dần dần. Cũng nên có những bản đồ di sản, bản đồ du lịch di sản cung cấp cho khách ở hai đầu Huế, Đà Nẵng để khách tham khảo.
Cũng theo ông Hưng, điểm đến tại nhà máy xe lửa Gia Lâm cần bổ sung thêm trải nghiệm nếu muốn có chuyến tàu di sản tới đây. Trong thời gian Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội, chuyến tàu này luôn trong tình trạng đầy ắp khách. Mặc dù vậy, sau khi tuần lễ kết thúc, ngành giao thông lại không khai thác tiếp tuyến này nữa. "Nhà máy xe lửa Gia Lâm thì phải suy nghĩ lại, vì hành trình quan trọng nhưng điểm đến cũng quan trọng, đến đấy chẳng có gì thì cũng phải xem xét lại. Hiện tại, hết lễ hội thì nhà máy không có điểm trải nghiệm văn hóa nữa, và theo tôi có thể tính đến việc lập một bảo tàng ngành đường sắt VN tại đây, hoặc một trung tâm nghệ thuật cũng được, nếu nó có thể thu hút cả khách trong nước lẫn quốc tế", ông Khuất Tân Hưng nêu ý kiến.