Những bông hoa nắng - Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ

17:23 - 10/10/2024

Như một nhúm mây nhỏ. Như cục bông con con. Da thiên thần trắng muốt. Gương mặt non tơ, tròn xinh hiện hữu ngay bên cạnh My. Cơ thể thiên thần khẽ cọ quậy, cái môi chúm chím sao mà đáng yêu, cái đầu rúc vào ngực mẹ tìm hơi ấm. Hạnh phúc lâng lâng, bay bay ngập tràn trong lòng. Cảm xúc ấy không ngôn từ nào diễn tả nổi.

Trái tim người mẹ được mặt trời ngày ấm nhất soi sáng và như có ngàn bông hoa nở thắm dịu dàng mỗi lần mở ô cửa sổ, nhẹ nhàng soi bé yêu. Con của My thật xinh xắn. Từ khi con chào đời, từng sự thay đổi nho nhỏ của con đều được My chú ý một cách tỉ mẩn.

My muốn làm ngọn gió phe phẩy ru êm giấc ngủ thiu thiu, ngoan lành của con. Mãi mãi. My đang chúi chụi với bếp núc, nồi niêu xoong chảo, cơn sốt ập đến với con lúc nào mẹ không biết nữa. Hốt hoảng khi chạm vào con giống như chạm vào hòn than. Tay run run, miệng lập cập, nước mắt giàn giụa. My lau, My chườm, xoa dịu cho con. Cơn sốt không hạ. Con lại thiêm thiếp, mê man, chẳng dậy. My quáng quàng gọi chồng cầu cứu. Chồng ngay lập tức đã phi như bay về nhà, đưa hai mẹ con đến bệnh viện. Con được đưa vào phòng cấp cứu. Những phút giây chờ đợi dài dằng dặc, nhịp tim My thoi thóp đập. Hành lang bệnh viện nhập nhòa sáng trắng, lờ nhờ người qua lại, váng vất tiếng hú của còi xe cứu thương bên ngoài vọng vào. My trôi trong thấp thỏm của riêng mình và nấc lên vì quá xúc động khi bác sĩ mở cửa phòng, bảo: "Ổn rồi, cháu qua cơn nguy kịch".

Từ lần con ốm đó My càng không muốn rời con nửa bước. My theo dõi sự biến động của cơ thể con dần dần lớn lên. My chờ đợi, mong mỏi nghe tiếng ê a của con. Thiên thần hay nhìn đâu đó, lảng tránh ánh mắt mẹ. Linh cảm của người mẹ đã mách bảo, có điều gì khang khác ở con. My cố xua đi, thổn thức chờ đợi, tiếng lòng tự cất lên muôn lời cầu nguyện, hy vọng. Một tuổi, hai tuổi… con vẫn không chịu gọi mẹ. Cái miệng non chúm chím ngày nào giờ xệ ra, lúc nào dớt dãi cũng chảy ròng ròng. Con cố đứng lên lại ngã xuống. Chồng đốt thuốc vào đêm nhiều hơn. Có hôm bắt gặp ánh mắt đỏ lừ của chồng nhìn con khiến My vô cùng sợ hãi. My trừng trừng nhìn lại chồng như một lời dò hỏi, thắc mắc.

Bác sĩ chẩn đoán con bị bại não. My bới tìm tất tần tật báo chí, tài liệu nào về căn bệnh để hiểu thể trạng con. Ấp ôm nhau đi bệnh viện này trung tâm nọ để tìm ánh sáng hy vọng. Nỗi lo lắng khiến My gầy mòn, da sạm, quầng mắt thâm hơn, mái tóc búi ngược lòa xòa những sợi tóc đứt.

Sau bao đắn đo, cân nhắc, My quyết định cho con đến khoa Phục hồi chức năng của một bệnh viện gần nhà luyện tập thường xuyên.

Những bông hoa nắng - Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ

ẢNH: TUYẾT CẨM

Những bông hoa giấy tưởng mong manh mà đầy sức sống. Gió phần phật giỡn đùa, chúng vẫn miết mải bám chặt thân cành, khoe sắc. Sân thượng tràn đầy tươi xanh, ngồi lặng ngắm càng thêm yêu và có phần tự hào về cái góc nhỏ này. Tốn công sức làm cái gì, khi làm được càng thấy quý. Bằng sức lao động, sự chịu thương chịu khó, vợ chồng My tự tay xây dựng được căn nhà ba tầng xinh xắn. Cưới chồng lúc 23 tuổi, mà 27 tuổi My mới có con. Việc sinh con gặp khó khăn, nhưng hai vợ chồng chưa từng nản chí, luôn yêu thương, động viên nhau vượt qua. Cô bé xinh xắn chào đời đền đáp sự mong mỏi và niềm hy vọng từng ngày của bố mẹ. Làm sao vợ chồng My không sốc, choáng váng cho được khi bé con mình mong mỏi bao ngày lại bị bệnh suốt đời.

My quay người lại đỡ con ngồi trên chiếc thảm đã được chải chuốt bằng mấy chậu hoa xếp quanh. My muốn con hòa với thiên nhiên, nhìn thấy vẻ đẹp của cuộc sống. Con bé ngồi được một lúc lại ẻo xuống. My đặt con ngồi lại, vừa giữ vừa nựng con cố gắng. Hai mắt con bé cười típ mà cái miệng cứ chảy ra, cố gắng phát âm gì đó, không thể nào nghe rõ được. Bỗng tiếng lũ trẻ nô đùa tíu tít phía dưới ngõ nhà khiến My có chút chạnh lòng. Nỗi khát thèm được nghe tiếng con gọi mẹ dâng lên. My tự nén lòng, xua xoa mình. Chả sao cả, mọi thứ phải thật bình tĩnh, kiên nhẫn.

Trong phòng, chồng cứ lịch kịch, mở cánh tủ ra, đóng cánh tủ vào. My đoán chồng đang chuẩn bị quần áo, vì hồi sáng chị Nga ở công ty chồng có nói chuyện tối nay công ty liên hoan. Mọi năm chị em rất háo hức gặp nhau dịp này để hàn huyên. Công ty chồng My liên hoan cuối năm thường mời cả gia đình của cán bộ nhân viên. Nghe chị Nga hỏi tối mấy giờ đến, My chững lại một chút, rồi vội đáp năm nay mình bận nên không đi được cho đỡ ngại, chứ thực ra, chồng đâu bảo gì.

Tối muộn, chồng về. Con đã ngủ, My khẽ trở dậy, nhìn chồng hỏi:

"Sao lần này anh đi liên hoan chả bảo gì vợ con đi cùng, tưởng cơ quan anh vẫn khuyến khích cả nhà đi liên hoan cuối năm…".

Chồng lẳng lặng cầm ca nước trên mặt bàn, dốc ngược, ngửa cổ uống ừng ực, rồi đặt phịch xuống bàn, lừ lừ tiến về phía giường. Nồng nặc hơi men, tay chồng phật bên này bên kia, gằn giọng lè nhè:

"Đời tôi khổ vì cô, đẻ thì khó khăn, chăm con lại vụng về. Cô nhìn mẹ con cô đi. Đưa mẹ con cô đi chơi cho xấu hổ mặt tôi à".

Nói dứt câu, chồng đổ gục ngay xuống giường bất động, miệng há hốc thở phì phì. Chồng say rồi. My biết. Ngày mai chồng sẽ chẳng nhớ mình đã nói gì.

Hai mắt nhòe đi. Lời chồng nói như lưỡi dao cứa vào vết thương vốn đang đau nhức của My. Lúc này My mới hiểu tại sao gần đây, chồng cứ lảng tránh không bế con bé ra ngoài chơi. Hôm chồng đi cùng đám bạn, nhìn thấy vợ con, chồng còn vờ quay chỗ khác. Lúc đó, tưởng chồng không phát hiện ra vợ con, My còn cứ đưa tay huơ huơ vẫy chồng. Thì ra là chồng mặc cảm, hổ thẹn với mọi người xung quanh.

***

Gió đêm thổi vi vút, căn phòng buốt lạnh, cái lạnh xộc vào tận tim, óc. My ngồi trên chiếc bàn nhỏ với ngọn đèn vàng leo lét, nghĩ về sự đổi thay đột ngột cuộc đời mình. Gia đình đang yên ổn. Bỗng chốc, phát hiện con bị bệnh, chồng giục giã đòi ly hôn. My vẫn không tin sự thay đổi nhanh chóng của chồng, đã dắt nhau đi từng ấy năm tháng khó khăn chẳng hề buông tay. Vậy sao lúc này… My nhìn vào chiếc gương trong phòng, thấy dòng nước nước mắt lăn dài trên đôi má hóp. Quay nhìn con đang ngủ, rồi lại nhìn mình trong gương. Rưng rức.

Người đã thay lòng, cạn nghĩa, cố níu giữ mấy cũng khó giữ được. Nhưng cố mà giữ tài sản. Miên bảo thế. Nói gì thì nói, tiền sẽ cứu mình bớt khó khăn. Đàn bà cần trái tim ấm áp yêu thương, cơ mà sống, nhất định phải bằng lý trí. Khi nhà cửa tròn trịa là của mình, hai mẹ con yên tâm an trú. Lương của My có thể chăm nuôi con và làm nhiều việc khác nữa. Dẫu sao, My may mắn còn có bà ngoại hỗ trợ.

"Em đồng ý ký vào đơn ly hôn, em sẽ chăm nuôi con trọn vẹn, với điều kiện anh để hết nhà cửa, tài sản lại".

"Hóa ra, cô trước nay vẫn tính toán thế".

"Vâng, không tính toán, làm sao mà sống được…".

Mặt My lạnh băng, dù trong lòng nghẹn lại. Cô cũng không nghĩ có lúc mình phải là người tranh chấp tài sản như thế. Nhưng nghĩ đến con, cô có thể nhận về mình những lời cay nghiệt. Mặt chồng hằm hằm thể hiện sự phẫn nộ cao độ, bàn tay cầm chặt chiếc bút, dứt khoát ký vào đơn ly hôn.

***

"Bé Na ngoan ngoãn lắm này. Cô thương, cô đỡ Na đứng dậy nhé. Thế, đúng rồi!".

"Bé Na yêu yêu, đứng dậy cô xem nào, cô cháu mình cùng đi nhé!".

"Bé Na vừa xinh xắn vừa biết nghe lời, tự đứng dậy cô sẽ thưởng nha!".

Ngày nào trong phòng phục hồi chức năng người ta cũng nghe thấy giọng Miên tha thiết dỗ dành bé Na. Nếu ai đó thấy được cử chỉ ân cần Miên dành cho con ở chỗ nào khác, khi không khoác chiếc áo trắng trên người, chắc người ta sẽ nghĩ Miên là mẹ của con bé. Nhiều khi, chính My phải tự hỏi, sao không máu mủ ruột rà mà cô có thể chăm sóc, nâng niu, hướng dẫn con đầy yêu thương, nhẫn nại đến thế. Có hôm mặt mũi, chân tay cô ấy đầm đìa mồ hôi khi vừa xoa bóp, uốn nắn cho bệnh nhân khác, nhìn thấy bé Na, Miên liền mỉm cười dịu dàng, ánh mắt ngời lên, vòng tay vồn vã mở rộng đón nhận bé. Miên bảo, làm lâu năm đã thành quen, việc mất sức do hoạt động mạnh liên tục là đương nhiên, mà chả thấy vất vả. Có lúc cũng thấy áp lực, nhất là hướng dẫn, rèn luyện cho bệnh nhân nhiều ngày mà bệnh nhân không tiến triển, cứ như có khối đá nặng đè lên vai ấy. Nhưng không gì là không thể, khi mình biết tự rèn giũa bản thân thích nghi và cố gắng. Miên vừa nói, ánh mắt vừa ngời lên nhìn các bệnh nhân đầy yêu thương. My cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ đôi mắt ấy.

My nhớ, cái buổi trò chuyện định mệnh, khi Miên gặp My khóc sau cánh cửa phòng bệnh. Đợi cho người mẹ hết cơn nức nở, cô bác sĩ trẻ gọi vào phòng riêng nói chuyện. Chả rõ Miên bắt đầu câu chuyện thế nào, vì trái tim tổn thương của My đang dồn ứ tâm tư của riêng mình. My chỉ bắt đầu để tâm lúc Miên nghèn nghẹn: "Em đang sống một mình và nuôi đứa con bị tự kỷ nặng chị ạ! Phần nào đấy, em thấu hiểu khó khăn của các bà mẹ khi có đứa con không được bình thường. Mỗi người mỗi cảnh, những đứa trẻ tội nghiệp ấy chúng có được lựa chọn số phận cho mình đâu"… Miên đã kể về cuộc đời mình, về hành trình đồng hành cùng những đứa trẻ kém may mắn. Làm sao My có thể bỏ mặc con. My khóc vì bản thân cũng chỉ là người bình thường, cũng có lúc không điều khiển nổi cảm xúc, muốn hóa điên hóa dại khi người chồng giục giã ly hôn mà chẳng biết mình mắc lỗi ở đâu. My là người bình thường, nên trước áp lực cuộc sống có lúc thực sự thấy bờ vai mỏi mệt, đôi chân run yếu. Hai người phụ nữ ôm lấy nhau, vỗ về nhau.

Những bông hoa nắng - Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ

ẢNH: TUYẾT CẨM

Từ lúc Miên dẫn dắt My vào đội tình nguyện hỗ trợ những trẻ em bị bại não ở trung tâm, My thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa. My nhận ra, còn bao số phận khó khăn, cay đắng hơn mình. Như chị Lan, nhà đã nghèo xơ xác, mà mẹ bệnh, con bệnh. Như bác Huynh, tuổi cao sức yếu, vẫn phải chăm nuôi đứa cháu bị bại não do bố mẹ chối bỏ… Khi được làm thứ ánh sáng, thắp lên hy vọng cho một người thôi, đã thấy hạnh phúc rồi. Thế mà giờ, My không chỉ là nguồn sáng cho con, bên con trò chuyện, chia sẻ, nuôi dưỡng cảm xúc cho cô bé thêm vui vẻ, yêu đời, My còn đang đồng hành với biết bao gia đình khó khăn, làm mẹ của nhiều em bé khuyết tật khác, mang nguồn năng lượng tích cực đến đội ngũ tình nguyện của trung tâm. Giờ My bận tíu tít với lũ trẻ, làm gì còn thời gian buồn đau nữa. Tình yêu thương cho con người ta sức mạnh kỳ diệu. My cảm ơn Miên nhiều lắm, khi đã là nhịp cầu kết nối đầu tiên tới hành trình ý nghĩa này. My hiểu rằng, luôn có những bông hoa nắng xuất hiện trong cuộc đời, sưởi ấm cho nhau, để người ta tin vào lẽ sống.

Đang miên man ngẫm nghĩ thì Miên với vào phòng tập gọi My ra ngoài có người muốn gặp. Cái dáng ngồi trên chiếc ghế sô pha ở hành lang quen thuộc quá. Ngực My bỗng nhoi nhói. Chồng cũ đến xin gặp, mang quà cho con bé và chào hai mẹ con để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Anh ta thấy ăn năn, xấu hổ, xin My tha thứ vì sự yếu đuối của bản thân.

Dù nhìn thoáng qua, My thấy gương mặt chồng cũ sạm đen, nhàu nhĩ hơn trước nhiều. Ngồi lặng bên nhau, cả cuộc gặp gỡ, gần như mỗi mình chồng cũ nói. Cho đến khi chồng cũ bảo: "Anh hiểu em vất vả, khó khăn nhường nào", thì My mới đáp lại: "Không, hiện em đang ổn, rất ổn".

My đứng bên ô cửa sổ nhìn theo cho đến khi dáng chồng cũ mất hút, chỉ còn những bông hoa nắng nghiêng xoay lặng lẽ trên sân vắng vẻ cuối chiều. Hình như không còn sự oán trách nào trong My nữa. Người ta có thể dễ dàng tha thứ cho nhau thế ư? My không biết nữa. Cảm giác rõ mồn một lúc này mà My có thể khẳng định là thấy lòng mình nhẹ bẫng, vậy thôi!

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...