Hội thảo do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học phát triển, Viện Những vấn đề phát triển, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, Trung tâm Pháp luật và Tác quyền.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam Nguyễn Thị Sánh nhận định hiện nay nhiều nhạc sĩ đã có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo vệ quyền lợi trong khi ở các lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh… vẫn còn khoảng trống.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Công ty Phan Law Vietnam) nêu thực trạng nạn sao chép làm sách lậu đang tràn lan, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà xuất bản. Việc xem "phim lậu", bóng đá trên các website vi phạm bản quyền rất phổ biến hiện nay.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung cho biết nhiều khách sạn lên mạng lấy hình rửa treo trong các phòng mà không hề xin ý kiến tác giả, trả tiền nhuận ảnh cho tác giả như trường hợp nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không xin phép.
Bà Lê Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Tác quyền, công bố Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới. Bà Hằng nêu trường hợp nghệ sĩ Thương Tín bị lạm dụng hình ảnh trên nhiều phương tiện truyền thông mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.
Năm 2020 Hoa hậu Khánh Vân phóng tác ảnh thành tranh cổ động chống dịch mà "quên" xin phép tác giả, nhầm hình em bé đi cách ly là người nhiễm Covid-19.
Nhà báo Lưu Trọng Đạt, tác giả bức ảnh bác sĩ, chiến sĩ bế em bé đi cách ly - cho biết: "Cô ấy nói sai thông tin về bối cảnh ra đời bức ảnh này và cũng chưa liên hệ xin phép tôi quyền sử dụng. Những em bé được bế không bị nhiễm Covid-19. Là hoa hậu, cô ấy càng phải thận trọng về phát ngôn và hành động".
Sau đó Hoa hậu Khánh Vân phải xin lỗi tác giả và nhận thiếu sót khi vi phạm bản quyền, chưa tìm hiểu kỹ câu chuyện về các nhân vật trong bức ảnh gốc.