"GẮNG GỎI ĐỌC SÁCH ĐỂ SÁNG TỎ ĐẠO GIỮ MÌNH"
Vẫn họ Lê, đã có ý kiến riêng của bản thân trong Đại Việt thông sử qua những kinh điển đã đọc, qua trải nghiệm của bản thân: "Đời nào cũng có các bậc đại nho có tiếng biên soạn sách vở. Đôi khi có lời bàn bạc, tuy chưa hẳn là thuần túy, nhưng chủ yếu cũng là những lời do tinh anh của trời đất hun đúc lại; gốc ở ý nghĩ sâu xa trong lòng mà ra".
Sách cung cấp tri thức, mở mang tâm trí cho người đọc. Sách cũng là nơi các văn nhân thi sĩ, nhà trước thuật thể hiện tài nghệ, kiến thức của mình truyền bá, lưu giữ cho đời. Bởi vậy trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà bác học Phan Huy Chú đúc kết: "Cái diệu trong chế tác tỏ ra ở điển lễ hiến chương, cái hay trong tâm thuật ngụ vào trong văn chương sách vở, cho nên xem đến tư văn thì biết được đạo đời. Thư tịch, văn minh của loài người là ở đó".
Bàn về ý nghĩa, công dụng của sách đối với văn hiến nước nhà, lời các đấng quân vương, nhà nho chức nghiệp là sát hợp hơn cả. Vua sáng Lê Thánh Tông là người ham đọc, tìm hiểu nghĩa lý thánh hiền qua sách vở, ngài còn lưu tâm việc ấy với quan lại. Đại Việt sử ký toàn thư chép năm Đinh Hợi (1467), vua dặn dò Thượng thư Bộ Hình Trần Phong: "Nay ta ký thác trách nhiệm nặng nề cho nhà ngươi, ngươi cốt giữ lấy 4 chữ "cần, thành, đôn, ý" [siêng năng, chắc chắn, thành thực, tốt đẹp] mà thôi, chả lẽ ngươi lại không gắng gỏi đọc sách để sáng tỏ đạo giữ mình hay sao?". Trong lời nhắn nhủ ấy, sách giúp kẻ làm quan giữ được mình trong sạch.
Đường thăng quan tiến chức ở nước Nam thế kỷ 19 về trước, cử nghiệp là đường tiến thân chính thức, mà Tứ thư, Ngũ kinh là kinh điển của Nho gia. Không chỉ thế, Samuel Baron trong sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (A Description of the Kingdom of Tonqueen) còn cho rằng đây là hai bộ sách chứa đựng những luân lý mang tính quy chuẩn cho hành xử xã hội, "những cuốn sách này được tập hợp lại thành bộ Tứ thư. Bộ Tứ thư cùng với 5 cuốn sách khác nữa mà trước đây tôi đã nhắc đến hợp thành một bộ 9 quyển. Đây là bộ sách cổ nhất và với danh tiếng của nó, không một người Đàng Ngoài chấp nhận điều gì trái với nội dung bộ sách này cả". Ngược dòng thời gian về thời Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký tục biên đề cập năm Nhâm Tý (1732) thời chúa Trịnh Giang đã có nhận định "sách vở thánh hiền là ông tổ của văn chương".
Vua bị quan trách vì… biếng đọc sách
Gần như xuyên suốt thời phong kiến, các tác giả viết sách là các nhà nho, được biết đến nhiều, thường qua văn thơ. Trong tiểu luận An Nam thời xưa (L'Annam d'autrefois), Pierre Pasquier, sau là Toàn quyền Đông Dương, với hiểu biết nhất định về Việt Nam cho rằng để hiểu về văn chương nước Nam, thì phải qua những tác phẩm đại diện, "để thưởng thức toàn bộ sự tinh tế trong các bài thơ của họ, ta phải đọc những tác phẩm như Hoa Tiên truyện, truyện Phan Trần, truyện Hoàng Trừu, Lục Vân Tiên. Nhưng hoàn hảo nhất trong số những tác phẩm này là Kim Vân Kiều được một nhân viên bộ Lễ tại Huế sáng tác vào khoảng năm 1802 [thực ra là Truyện Kiều, của Nguyễn Du]".
Vua Lê Thái Tông khi mới lên ngôi, có lúc ham chơi, bị các ngôn quan dâng sớ can ngăn năm Ất Mão (1435), trách vua 6 việc, có tới 3 việc liên quan đến sách: "Nay đại thần tiến cử Thiếu bảo hữu bật vào hầu giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe"…, "Người quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung bắn chim, có khi can ngăn, thì bệ hạ không nghe, lại lấy cung bắn người ấy"…, "Tiên đế lựa chọn con em công thần sai vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ đều xa lánh họ mà nô đùa với bọn hầu hạ gần gũi ở trong cung", theo Toàn thư. Rõ là việc trị vì của người đứng đầu trăm họ, không thể chỉ lệ ở ngai vàng, mà cần có kiến thức, sự thông tuệ hơn người để chăm dân.
Công dụng của sách, cứ đơn cử trường hợp sách Hoàng Việt luật lệ. Năm Nhân Thân (1812), Hoàng Việt luật lệ được ban hành. Nói về ý nghĩa của bộ luật này, vua Gia Long trong bài "Tựa" chỉ rõ: "Điều cấm răn dạy nghiêm như sấm sét, không kẻ nào dám xâm phạm. Quan lại giữ chức vụ, lấy đó làm phép sáng, người dân ngoan cố, ngu dốt cũng dễ tránh sự sai lầm, từ đó dời đến điều lành, lánh xa tội lỗi, thoát khỏi hình ngục mà theo giáo hóa, không phạm đến quan, chẳng hại lẽ chính, ngõ hầu thi hành hình pháp được long trọng, chẳng phải cũng nhờ ở sách này hay sao?".
Đối với vua Minh Mạng, thì sách vở có ý nghĩa "khảo về diên cách chế độ, sự thích hợp và thất thường của khí hậu đất đai", Quốc sử di biên ghi. Vẫn vị vua này còn răn dạy quần thần: "Xem sách rất có ích cho thần trí con người". Ví như sách nói về sự hưng phế các triều đại, về nhân vật, phong tục, đều có giá trị tham khảo khi áp dụng vào thực tế việc trị nước. Suy nghĩ ấy, cũng là giá trị của sách mà vua Lê Thánh Tông bay bổng qua tứ thơ trong bài Thiên Lộc các (Gác Thiên Lộc) nơi Cổ tâm bách vịnh: "Gác cao cắp sách bước sang/Ngọn lửa đầu gậy sáng choang trong đầu". (còn tiếp)