"Bốn vách sách tranh lửa Tần bốc"
Trong Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn chỉ ra những lần nội loạn, ngoại xâm ảnh hưởng lớn tới "sinh mệnh" sách vở. Khi Chế Bồng Nga đem quân đánh vào Thăng Long mấy lần thời Trần Nghệ Tông "đốt phá cướp bóc hầu hết". Xem Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì Chế Bồng Nga nhiều lần đốc quân Chiêm đánh vào tận Thăng Long. Mỗi lần giặc Chiêm tràn vào là nhà cửa tan hoang, huống chi sách vở. Sang thời Hồ tồn tại ngắn ngủi rồi bị quân Minh xâm lược, đô hộ. Chẳng những chỉ vơ vét của cải, đè nén sinh dân, "tướng nhà Minh là Trương Phụ (1406) lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng (kinh đô nhà Minh)".
Đến cuối thời Lê sơ, loạn Trần Cảo diễn ra năm Bính Tý (1516) khiến Thăng Long "thất thủ, xã tắc bỏ phế, dân chúng vào thành tranh nhau lấy vàng bạc, của báu, bạch đàn, xạ hương, lụa là tơ gai đầy trong dân gian; sách vở, hồ tiêu, hương liệu các thứ vứt bỏ trên đường phố cao đến 1, 2 tấc, không thể kể xiết. Người mạnh khỏe tranh cướp vàng bạc, có người lấy được đến ba, bốn trăm lạng, người yếu cũng được đến hơn hai trăm lạng. Cung khuyết, kho tàng do vậy mà hết sạch", Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại đầy đau xót cho hiện trạng ấy.
Hết thời Lê sơ thì lại đến tình trạng phân liệt Nam Bắc triều. Khi chiến tranh Lê - Trịnh với Mạc vãn hồi "đến triều đình (Lê, Trịnh) lấy lại được kinh thành, các sách vở lại bị lửa cháy. Những sách do các quan và nhân dân còn chứa cất được cũng phần ít còn giữ được. Tan nát đến thế, đáng tiếc lắm thay"… "Các bản chiếu, sách, sắc, lệnh, các bài ca, bài tụng, các tờ tâu, tờ biểu bàn bạc các điều lệ, điển chương của hai triều Lý (1010 - 1224), Trần (1225 - 1400), trong thời gian hơn ba trăm năm, kể sao xiết được, thì nay đều thiếu mất cả", Lê Quý Đôn cảm thán cho sự mất mát thi thư nước nhà.
Nào đã hết cảnh hư hỏng, mất mát sách vở vì chiến tranh. Hết thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại đến cuộc chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn. Đến khi nước nhà thống nhất vài năm, vua Gia Long năm Tân Mùi (1811) đã phải "xuống chiếu sưu tầm điển cố các triều đại trước. Tức là các truyện cổ, sách vở chế độ các đời xưa, nếu ai dâng hiến, sẽ nêu gương và ban thưởng", Quốc sử di biên ghi. Cảnh sách vở hóa ra tro bởi chiến tranh, nội loạn, thật đau đớn làm sao. Là người trải qua cảnh khốc hại ấy khi chạy loạn chiến tranh cuối thời Lê - Trịnh, Hải Thượng Lãn Ông trong bài Tỵ loạn (Chạy loạn) nơi Thượng kinh ký sự có câu:
Bốn vách sách tranh lửa Tần bốc,
Lưng non thông cúc bụi quân rơi.
Sách kia mười phần sót lại một hai
Theo lời Lê Quý Đôn, đối với Thiên Nam dư hạ tập là bộ sách ghi chép những chế độ, luật lệ, thư từ điển cáo của nhà Lê, số phận hẩm hiu cũng giống như các bộ Thông điển, Hội yếu, mười phần chỉ còn sót lại được một, hai phần. "Các bậc học giả đứng đắn, xem nhiều biết rộng, tìm đâu ra được tài liệu? Ngay như sách Trích diễm thi tập của các danh hiền, đã được phổ biến khắp nơi mà nay chỉ còn được tên sách; thực ra thì không thể nào mà được xem hẳn quyển sách".
"Có đến nỗi đâu như những điển chương giấy tờ của triều ta (Lê) dưới thời từ Trung hưng về trước cũng đều không còn gì nữa, cùng chung số phận như sách của các thời Lý, Trần". Buồn cho sự mất mát sách vở nước nhà, tác giả của Đại Việt thông sử đã kê cứu mục lục các sách thời Lý đến đầu Lê Trung hưng theo các thể loại khác nhau. Nhưng rõ là cũng không còn nhiều lắm. Và theo nhà nho thông kim bác cổ này, thậm chí có những sách chỉ còn tên gọi lưu lại, chứ nội dung không biết đâu mà lần vì sách không còn nữa. Theo thống kê này, thì loại hiến chương có 16 đầu sách như Hoàng tông ngọc điệp, Thiên Nam dư hạ, Trị bình bảo phạm, Sĩ hoạn châm quy…; văn thơ có 67 đầu sách như Sầm Lâu tập, Phi sa tập, Tứ thư thuyết ước, Quỳnh uyển cửu ca…; truyện ký 19 đầu sách; phương kỹ 14 đầu sách, tổng cộng là 115 bộ sách.
Sau khi nêu hiện trạng cho số phận sách vở nước nhà trải qua các đời, Lê Quý Đôn kết lại, rằng dù Đại Việt là một nước văn hiến, từ vua đến quan nhiều người biên soạn sách vở, ấy nhưng đau lòng ở chỗ "bây giờ họp chung cả lại, chẳng qua chỉ còn được ngoài trăm pho sách"… "Số lượng sách đã ít như vậy, mà các tổ chức chứa sách như gác Thạch Cừ, gác Thiên Lộc (đời Hán) cũng rất sơ sài, không đặt hẳn các cục riêng coi về sách vở giấy tờ; không đặt riêng các quan chuyên trách việc thu tàng, coi giữ các sách. Đến việc so sánh từng bản và sao chép ra, việc phơi sách chứa sách đều không được quy định thành phép riêng, lệ riêng".
Điểm thiếu khuyết nữa, là học trò dùng sách cốt để học, thi cầu đỗ đạt cho có công danh sự nghiệp với đời nơi đường khoa hoạn, "thấy những sách lạ của đời trước để lại mà không liên quan đến môn học khoa cử, thì cũng làm lơ, không sao chép lấy. Gián hoặc có người chịu sao chép thì cũng coi nhẹ việc hiệu thù (so sánh). Hễ có người nào thích chứa sách cổ, thì người ấy lại giữ làm của riêng, cất kỹ không đưa cho mọi người xem. Cho nên việc đi tìm sách khó lắm", Đại Việt thông sử ghi. (còn tiếp)