Xem sách một lần là thuộc
Quốc tử giám Tư nghiệp Chu Văn An là thầy dạy của nhiều đại quan thời Trần như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Ông được khen ngợi là người "nghiệp học tinh thông thuần khiết". Để có được kiến thức uẩn súc, dạy dỗ thành danh bao học trò, Phong tục sử cho biết họ Chu "tu luyện khổ tiết, không cầu lợi đạt, ở nhà đọc sách". Cũng thời Trần, năm Bính Dần (1266), Bạch Liêu ở Nghệ An được chấm Trại trạng nguyên, là người được biết tiếng "tính thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch".
Khả năng đọc sâu nhớ lâu còn bắt gặp ở rất nhiều nhà nho. Ngô Nho khi đọc sách "chỉ xem một lượt là thuộc lòng", Lịch đại danh hiền phổ thông tin. Mà chẳng chỉ đấng nam nhi mới coi trọng sách vở để lập thân, lập danh đâu. Hát Đông thư dị của Nguyễn Thượng Hiền khi viết về Đoàn Thị Điểm, đã lưu ý "ngồi trong phòng riêng nghe anh đọc sách, bà có thể nhớ được cả chương sách"…, "khi bà hơn mười tuổi thì đã đọc thông các sách sử và chư tử". Có lẽ vì thông hiểu thi thư từ sớm, nên về sau văn học Việt Nam mới có một Hồng Hà nữ sĩ để lại Truyền kỳ tân phả cho đời như thế.
Lịch đại danh hiền phổ cho biết, Thám hoa Nguyễn Xuân Huyên lúc nhỏ rất ham học. Khi đã đọc sách là không còn để ý xung quanh. Bởi vậy mới có lần nhà phơi lúa, sau trời mưa to nhưng Huyên cứ vậy đọc sách không hay biết làm lúa ướt, trôi hết. Sự say mê, đắm chìm trong chữ thánh hiền còn bắt gặp ở Trịnh Hoài Đức thời Nguyễn, tác giả Gia Định thành thông chí, được chép trong Mẫn Hiên thuyết loại: "Có lần ông ngồi xem sách, có hai đứa tiểu đồng đứng hầu, tán gẫu với nhau, rồi cãi nhau, đến nỗi lôi nhau ra sân đánh lẫn lộn nhau, một lúc sau mới quay về chỗ cũ. Thế mà Trịnh cứ ngồi điềm nhiên xem sách, không hề có lời trách mắng".
Kể ra, bậc kỳ tài hẳn có những ưu điểm vượt trội khác người thường. Đến như việc đọc sách thôi cũng có khác biệt vậy. Trương Quốc Dụng sống cùng thời với Thượng thư Hà Quyền thời Nguyễn, đã ghi nhận rằng Hà Quyền khi đọc sách thì đọc mấy hàng cùng lúc. Lùi xa hơn về đời trước, Thoái thực ký văn cho hay cách đọc sách của Bùi Dương Lịch, tác giả sách Nghệ An ký cũng thực hiếm có, "Tiên sinh đọc sách rất nhanh, vài hàng một lần, mà xem văn có thể phân biệt được người".
Cả năm đọc sách, trừ hai ngày
Sự thành công trên đường công danh của Tế tửu Phan Bảo Định (1747 - ?), người trải đời làm quan cho cả nhà Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn, phần nhiều nhờ sách vở mà nên. Ông chia sẻ lúc trẻ tuổi "năm mười tám, mười chín tuổi đọc sách không được hai mươi hàng, trăm lần mới thuộc hết. Chỉ có ngày Nguyên đán và Trừ tịch mới rời sách, còn lại không hôm nào không đọc". Cuối cùng ông đỗ tiến sĩ.
Nói về sự ham sách, Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) tự sự trong Vũ trung tùy bút rằng bản thân khi lên 9, đọc sách chữ Hán, về sau "các sách cổ, thơ cổ, ta thường ham xem lắm, không lúc nào rời tay"…; "mỗi lần ăn cơm sáng xong, ta ra nhà khách, trong đó chồng chất mấy giá sách, tùy ý muốn lấy xem quyển nào thì xem". Vẫn trong sách này, họ Phạm còn nhớ người bạn là Hoàng Hy Đỗ ở trấn Sơn Nam, cũng là người yêu sách khi "các tiểu thuyết, dã sử, đều xem qua hết. Ông lại thích về nghề thơ, từ, ngâm, vịnh, phàm thơ của các danh gia từ đời Hán, Ngụy, Đường, Tống, Minh, ông đều xem qua và đọc thuộc cả".
Sự đọc, thật không thể bỏ qua trường hợp Lê Quý Đôn. "Quế Đường xem sách rất nhanh, mười hàng một lần, đã thuộc rồi thì suốt đời không quên, mà tay chưa từng rời sách", Thoái thực ký văn ghi. Vẫn sách này thông tin có lần đi xa qua vùng hẻo lánh, vào ngủ nhờ nhà dân. Nhà ấy có một đứa con trai mười tuổi. Lê Quý Đôn "hỏi thằng bé đọc sách gì thì nó trả lời là "Sử Đầu Hiếu Huệ". Ông liền lấy sách xem hết cả quyển dưới đèn, xong rồi lại hỏi: "Trong nhà có sách vở gì nữa không?". Bà mẹ nói: "Không, chỉ còn quyển khế ước mà thôi". Ông cũng bảo lấy ra, không tờ nào là không xem đến. Người hầu (ông Hoàng) hỏi: "Sao phải như thế ạ?". Đáp: "Người ta ai nấy đều có việc của mình, há có thể bỏ phí thời gian sao?". Tiền bối chăm chỉ cố gắng đến như vậy". Thế mới thấy, lòng đã ham đọc, thì chẳng kể thời gian, không câu nệ loại sách, miễn có thể thỏa đam mê, là được.
Lánh đời ở ẩn, bốc thuốc cứu người, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng tìm niềm vui nơi sách vở. Khi lai kinh để chữa bệnh cho con chúa Trịnh, hành lý của ông là "sách vở nửa gánh, gươm đàn một túi", Thượng kinh ký sự ghi. Và có lần tác giả của bộ sách y học nổi tiếng Y tông tâm lĩnh đã tự sự: "Khổng Mạnh trước sau muôn sách ấy/Kỳ Hoàng sớm tối một lời ta" (Bài thơ Trả lời cụ lang Hương Án). (còn tiếp)