Người truyền lửa trong nghi lễ độc đáo của người Pà Thẻn

10:26 - 06/09/2024

Khi tiếng trống, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừnglà sự báo hiệu một lễ hội đặc biệt sắp diễn ra- lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn ở thônThượng Minh, xã Hồng Quang, H.Lâm Bình, Tuyên Quang. Đây là một nghi thức linh thiêng đã tồn tại hàng trăm nămở địa phương này.

Cầu nối với… thần linh

Giữa không khí sôi động của lễ hội liêng thiêng ấy, tôi tìm gặp ông Phù Văn Thành, người được cho là nắm "bí kíp" lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn ở Tuyên Quang. Đôi mắt sáng và giọng nói trầm ấm, ông Thành kể về những "bí mật" ẩn chứa trong nghi lễ nhảy lửa...

Người truyền lửa trong nghi lễ độc đáo của người Pà Thẻn

Thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, H.Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, thực hiện nghi lễ nhảy lửa

Ảnh: Thanh Tùng

Nhảy lửa - tiếng Pà Thẻn là "pò dí". Ông Phù Văn Thành cho biết, so với nhiều nghi lễ khác thì nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng. Bởi lẽ, để thực hiện nghi lễ không cần phải có mâm lễ thịnh soạn với rượu, thịt gà, thịt lợn… Lễ nhảy lửa, theo ông Thành, chỉ đơn giản có một bát nước lã để trên bàn thờ, cùng đó là mâm lễ nhỏ với một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn bé.

Lễ cúng cũng khá ngắn gọn với 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn để "trình bày" rõ với thần linh về lý do của buổi lễ. Lý do phải tốt (phải là lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản...) thì mới "mời" được thần về. Thầy cúng phải mời tất cả 28 vị thần, trong đó quan trọng nhất là thần lửa.

Nghi thức tiến hành nhẹ nhàng là vậy, nhưng để làm nên thành công của buổi lễ thì từ người làm lễ đến thợ nhảy lửa phải có tâm sáng, lòng thành thì thần lửa mới "độ".

Để chuẩn bị lễ, ngay từ buổi chiều, các học trò của thầy Thành tự tay gánh củi về đốt ở ngoài sân. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì miễn là có nguồn gốc sạch sẽ và chỉ đốt trong một lần. Điều quan trọng, ngọn lửa phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Người Pà Thẻn quan niệm đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa.

Khi cúng, đầu thầy cúng lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ. Người Pà Thẻn tin rằng, lúc này mình đang "xuất hồn" đi chu du ở thế giới bên kia để trò chuyện với các vị thần.

Anh Sìn Văn Toàn, một trai làng thường xuyên tham gia nhảy lửa, chia sẻ: "Khi thần nhập vào người, tôi có cảm giác rất lạnh và nhìn thấy lửa là rạo rực muốn lao vào. Càng nhảy vào lửa lại càng thấy sảng khoái, dễ chịu và ấm người. Khi nhảy, tôi nhắm mắt và được thần dẫn đi nên bản thân không biết là khi đó đang lao vào đống lửa".

Lý giải về sự kỳ bí, linh thiêng này, ông Phù Văn Thành cho hay: "Lửa trong tâm thức người Pà Thẻn khác hẳn lửa trong tâm thức của dân tộc khác. Chúng tôi quan niệm nhảy lửa tức là cho thánh tắm nước. Bởi lửa tượng trưng cho khỏa nước, nghịch nước; lăn qua lửa là tắm nước, cho than hồng vào mồm là uống nước. Người nhảy lửa được thần linh chấp nhận, da thịt hoàn toàn không có vết bỏng, thậm chí đầu tóc cũng không có một vệt cháy xém nào, trong khi những người xem xung quanh bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ như thuốc lá châm. Lửa lúc ấy là "nước", mà nước làm sao có thể khiến quần áo bốc cháy được".

Điều mà thầy Phù Văn Thành vẫn luôn dặn dò các học trò hay những trai làng tham gia nhảy lửa là tâm phải luôn sáng, một lòng biết ơn thần lửa, cầu nguyện cho bản làng bình yên, ấm no. Có như thế thì thần lửa mới ban truyền cho sức mạnh phi thường để chinh phục ngọn lửa linh thiêng, may mắn.

Người truyền lửa trong nghi lễ độc đáo của người Pà Thẻn

Những chàng trai nhảy lửa tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, H.Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Ảnh: Thanh Tùng

Trăn trở truyền nghề

Ở tuổi ngoài 60, thầy cúng Phù Văn Thành tâm sự: làm thầy cúng của người Pà Thẻn là cả một quá trình thử thách gian nan, bởi người Pà Thẻn có mấy trăm bài cúng, ai sáng dạ học nhanh cũng phải 5 năm mới hết, có người học cả chục năm vẫn chưa gom đủ chữ làm "thầy".

Ông Thành cho biết, lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn thường bắt đầu từ ngày 16 tháng 10 âm lịch cho đến hết năm. Vào ngày đó, thầy cúng bắt đầu làm lễ truyền nghề cho những ai muốn học và tất cả nam giới người Pà Thẻn đều có thể học nghề. Thế nhưng, dù là nghi lễ được tổ chức đơn giản thì việc tìm được một người "kế nghiệp" lại là một hành trình gian nan. Bởi lẽ, để thực hiện được nghi lễ linh thiêng này, thầy cúng phải thông thạo tất cả các nghi lễ khác với hàng trăm bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn.

Anh Sìn Văn Toàn cho biết, anh và nhiều người khác đã theo học thầy Thành nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được làm Cấp sắc (một nghi lễ cấp cho thầy cúng). Học tiếng, học thuộc bài là một chuyện, có được Cấp sắc, được chọn hay không lại là một chuyện khác.

"Nhiều người Pà Thẻn đã học, đã thuộc làu làu các bài cúng nhưng không có duyên, không được thần chọn nên không thể "mời" thần về trong dịp nhảy lửa. Không "mời" được thần "nhập" thì các thợ nhảy không nhảy vào lửa được, nếu cố nhảy vào sẽ bị bỏng", anh Toàn nói.

Theo ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, bên cạnh cái khó của việc "nối nghiệp" thầy cúng làm lễ nhảy lửa thì có giai đoạn dài nghi lễ này bị cấm, rồi cứ thế nguội lạnh mấy chục năm trời. Mãi đến năm 2008, khi ngành văn hóa của tỉnh, lãnh đạo huyện vào cuộc, nghi lễ nhảy lửa mới được khôi phục. Từ đó, nghi lễ nhảy lửa được trở lại do thầy cúng Húng Văn Hin thực hiện. Ông Húng Văn Hin trước khi mất đã kịp truyền lại cho học trò là Phù Văn Thành, hiện thầy Thành là người duy nhất thực hiện nghi lễ nhảy lửa ở Thượng Minh.

Hàng năm thầy Phù Văn Thành mở lớp với khoảng 10 - 12 học trò đến học miễn phí. Dù sức khỏe đã yếu nhưng ông Thành thấy vui vì sau nhiều năm rèn giũa, hiện đã có 2 học trò trẻ tuổi là Lý Văn Trụ và Húng Văn Tám được làm lễ Cấp sắc.

Anh Húng Văn Tám chia sẻ, sau 8 năm học làm thầy anh đã được Cấp sắc. Đến nay, anh và anh Trụ đều có thể thực hiện được nhiều nghi lễ đơn giản, còn nghi lễ nhảy lửa, nếu muốn thực hiện thì phải có sự hỗ trợ, dẫn dắt của thầy Thành. Từng là một trai làng nhiều lần tham gia nhảy lửa, anh Tám đang cố gắng rèn luyện, học hỏi để gìn giữ tục lệ truyền thống của cha ông.

Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với tâm linh độc đáo của đồng bào Pà Thẻn ở Hồng Quang. Với vai trò là người "truyền lửa", ông Phù Văn Thành luôn gắn cho mình nhiệm vụ và trách nhiệm nhân lên tình yêu bản làng qua những lễ nghi, mỹ tục riêng biệt của đồng bào như nghi lễ nhảy lửa linh thiêng.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...