Muôn cách truyền nghề sân khấu

08:45 - 17/06/2024

Trong lĩnh vực sân khấu, việc học nghề, truyền nghề không chỉ diễn ra ở trường lớp chính quy, mà còn ở nhiều nơi với nhiều phương thức khác nhau.

NSƯT Hữu Châu có khoảng 20 năm gắn bó với nghề dạy học sân khấu. Ông dạy từ Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đến các trung tâm đào tạo của Hồng Vân, Ái Như, Minh Nhí, và nổi tiếng là ông thầy dạy giỏi, đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ học trò. Nhưng khi rời lớp, ông vẫn là "người thầy" kiên trì chỉ bảo cho từng đứa học trò trên sàn tập. Ông nói: "Học thuật là đúng, học chính quy ở trường lớp là đúng, nếu muốn theo nghề lâu dài. Nhưng khi "lâm trận" tại sân khấu, lên sàn tập cụ thể từng vở, từng nhân vật, thì các em vẫn cần người chỉ dẫn thêm, bởi các em chưa đủ kinh nghiệm. Thế hệ đi trước như chúng tôi có nhiều kinh nghiệm sân khấu hơn thì nhiệt tình chia sẻ lại cho các em, bởi tôi quan niệm mình dạy mà các em diễn được, làm nghề được thì mới an lòng, chứ không phải dạy cho các em thuộc làu làu lý thuyết mà không thể theo nghề".
Muôn cách truyền nghề sân khấu

NSND Kim Xuân (phải) và Lê Khánh trong vở Cô giáo Duyên

H.K

Thật sự, sân khấu có hàng trăm, hàng ngàn vai diễn, đâu cái nào giống cái nào, vậy diễn viên phải biết xử lý uyển chuyển những kiến thức cơ bản học được, và cũng cần những kinh nghiệm quý báu mà sách vở không nói tới. Chính vì vậy, Hữu Châu mới nhấn mạnh việc truyền nghề trên sàn tập: "Tôi có may mắn là sinh ra trong gia tộc cải lương, từ nhỏ đã nhìn thấy ông bà cô chú làm nghề, rồi khi lớn lên tôi lại có cơ hội diễn chung với nhiều thế hệ nghệ sĩ, chẳng hạn nghệ sĩ Bảy Nam, Ngọc Giàu, Kim Cương, Ngọc Hương, Ngọc Đáng, Lệ Thủy, Mỹ Châu… nên tôi góp nhặt được nhiều kinh nghiệm quý báu". Quả là Hữu Châu có cách dạy kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, lẫn hóa trang đều rất độc đáo, thí dụ chăm chút từng cái đảo mắt, trợn mắt, nheo mắt đầy sinh động cho nhân vật.

Không chỉ thế, Hữu Châu còn truyền nghề cả... trên mạng. Xem Facebook của ông còn thấy ông nhắc nhở đàn em Đình Toàn và Đại Nghĩa về cách hóa trang cho nhân vật Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý. Hai nghệ sĩ này không hề tự ái, mà hóa trang xong còn "video call" cho đàn anh xem lại có được chưa. Thái độ cầu thị của họ làm khán giả càng thêm yêu mến, bởi Đình Toàn và Đại Nghĩa đều có thể gọi là "ngôi sao" hiện nay nhưng vẫn khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.

NSND Kim Xuân nhiều năm qua không trực tiếp đứng lớp dạy nghề, nhưng bà vẫn truyền nghề cho thế hệ trẻ ngay chính trên sàn tập kịch lẫn trên phim trường. Cách chỉ dạy của bà rất nhẹ nhàng theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Bà nói: "Các em còn trẻ nên có khi chưa thẩm thấu hết tính cách nhân vật, tâm lý nhân vật, tôi cứ thủ thỉ phân tích cho các em nắm được, hoặc khi ra diễn thấy chỗ này chỗ kia còn lấn cấn thì tôi cũng nhẹ nhàng góp ý để các em hoàn thiện hơn, đó đều là cách truyền nghề. Tôi không dám dùng chữ dạy, mà chỉ là chia sẻ kinh nghiệm của thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau".

Muôn cách truyền nghề sân khấu

Ngọc Duyên (phải) vai bà Hai Lung và Hồng Ánh vai Hương trong vở Nửa đời hương phấn

H.K

Đạo diễn Ái Như và Thành Hội cũng là những người thầy giỏi của Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, sau này thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh lại tiếp tục truyền nghề cho học trò ngay trên sàn diễn. Xem những buổi tập kịch sẽ thấy Ái Như và Thành Hội rất vất vả, uốn nắn từng li từng tí cho các em, từ cách đứng, cách đi, đưa tay, ngồi xuống, nhấn giọng, nghiêng đầu… Lứa măng non ngày ấy giờ đã trưởng thành như Ngọc Duyên, Hoàng Vân Anh, Tuyết Mai, Công Danh… Ngọc Duyên trở thành đạo diễn nổi tiếng, và lại dạy nghề cho thế hệ đàn em. Chị nói: "Hồi đó tuy đã tốt nghiệp nhưng chúng tôi vẫn bị rầy la trên sàn tập, nhưng tôi nghĩ được học thêm với thầy cô chính là điều may mắn, bởi có nhiều thứ mà sách vở lý thuyết không thể bằng thực tế. Rồi sau này khi tôi đi dạy tôi càng hiểu tại sao hồi đó thầy cô phải la rầy chúng tôi. Chưa kể, nhiều em tay ngang mà tham gia gameshow nên tôi vừa là người dàn dựng vừa kiêm luôn người dạy nghề". Rõ ràng khái niệm "trường lớp" không chỉ là những hàng ghế, bục giảng, mà còn là môi trường làm nghề rộng lớn, phong phú.

Để dạy được nghề diễn quả không đơn giản. Ngày xưa, khi chưa có trường lớp chính quy, các nghệ sĩ cải lương hay kịch nói đều học ngay trên sân khấu, học từ các "lò" của nhạc sĩ, thầy đờn. Ngày nay, đã có trường lớp hẳn hoi, nhưng thực tế vẫn là một "trường học" lớn, ở đó người đi trước phải truyền nghề bằng nhiều cách thì mới có thế hệ kế thừa giỏi.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...