Có thể nói, tản văn là một trong những thể loại khó nhất của văn chương, bởi nói như nhà văn Trần Thùy Mai, nó "có vẻ như dễ dàng tùy hứng mà lại đòi hỏi nội lực thâm hậu vô cùng". Điều này còn chưa kể đến suốt bao năm qua, tản văn về Huế đã được rất nhiều danh sĩ thay nhau khai thác, có thể kể đến những tên tuổi như Thanh Tịnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Tường Bách…, vì vậy áp lực cho người đi sau là không dễ dàng. Thế nhưng, bằng sự thanh thản, êm đềm, nhẹ nhàng trong từng câu chữ, Nguyễn Khoa Diệu Hà đã khơi gợi lại những phong tục tập quán, những nét văn hóa giá trị của kinh đô xưa qua 40 tản văn trong Một thời mạ Huế.
Ở đó có mùi thơm của nhựa lá từ hàng chè tàu được cắt xén trước tết, mùi lá chuối chín tỏa lan từ thùng bánh tét giao thừa, mùi vải phin mới thơm thơm trên áo trẻ con…
Đó cũng còn là những người phụ nữ Huế xưa và nay, từ bà thái hậu nổi tiếng phúc đức hiền minh cho đến những cung tần mỹ nữ vô danh trong Đại nội…
Ngoài ra, đó cũng còn là những món ăn ngon, những món trao gửi, chứa tình thương yêu của người bán, người nấu và cả người thưởng thức…
Và tuy không ít lần nói về những giá trị đang dần mất đi, nhưng tác giả không thở than hoài cổ, chỉ dịu dàng góp nhặt, nâng niu từng chút kỷ niệm, để ta thấy được mỗi món ăn, mỗi phong tục… không chỉ mang vẻ đẹp riêng bản thân chúng, mà còn nói về con người, về đạo sống. Như tác giả đã viết trong một đoạn trích: "Mạ luôn dạy con từ những điều tưởng nhỏ trong cuộc sống như nấu ăn. Có lẽ vì những điều tâm đức mạ để lại nên mùa xuân này nhớ mạ, con lại nhớ về tình thương mà mạ gói trong những món ăn. Tình thương không có mùa, cũng như mùa xuân, con ngồi nhớ món ăn mùa hạ của mạ, sâu thẳm con biết, món ăn chỉ là cái cớ và con nhớ mạ khi mùa xuân về, mạ ơi!".
Không chỉ gợi lại những ký ức xưa, với lợi thế là người làm phim, người làm truyền hình, tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà sau những chuyến đi ở nhiều làng quê, khu phố… cũng đã chắt góp một kho chuyện kể vô cùng phong phú, từ đó khơi mở nơi người đọc những diễn giải mới.
Chẳng hạn, không phải ai cũng biết món bún giấm nuốc "thứ thiệt", một tuyệt phẩm dân gian mà chắc ai đến Huế cũng từng thưởng thức, chỉ có vào mỗi tháng ba, tháng tư âm lịch theo mùa của nuốc, do đó đây là một món "có duyên mới gặp", và dễ nhầm lẫn với món bún sứa.
Ngoài ra, ở Huế không chỉ có chè bột lọc thịt quay, chè hạt sen nhãn lồng... mà thuở xa xưa cũng có món chè "cá rô đồng" - một món "bí truyền" mà cho đến nay "chỉ còn một hậu duệ nhiều đời của vua Minh Mạng có thể nấu được"…
Về Một thời mạ Huế, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ: "Tôi biết Hà đã viết những tản văn này trong những ngày dông bão nhất của đời cô. Vậy mà Hà vẫn thanh thản, êm đềm, thuần phác trong từng câu chữ, bởi khi ngồi vào bàn viết, Hà đã dựa vào sự lắng đọng của một chữ tâm".
Bà cũng nói thêm: "Đọc văn của Hà cứ như đang nghe Hà nói chuyện, lúc nào cũng thấy một cảm giác ấm áp lạ lùng bởi một vẻ thân thiện hiền hòa trên mắt, trên môi. Có lẽ trong lòng Hà luôn có một suối nguồn tươi mát chảy qua từ cái tâm từ ái của người mẹ Huế".
Nguyễn Khoa Diệu Hà sinh ra và lớn lên tại An Cựu, thành phố Huế. Cô đã gắn bó hơn 30 năm với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên - Huế. Năm 2022, cô xuất bản tập tản văn Ở xứ mưa không buồn.